24 Th8 Việc sửa đổi 5 luật thuế không phải do ngân sách thiếu hụt
Trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN chiều ngày 22/8/2017, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) đã có những chia sẻ thẳng thắn về thông tin không chính xác liên quan tới đề xuất dự luật sửa đổi 5 luật thuế trên một số trang mạng.
Cũng tại cuộc trao đổi, nhiều nội dung quan trọng trong dự luật này được ông Phụng chia sẻ, phân tích và đánh giá cụ thể.
* PV: Thưa ông, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế và nhận được rất nhiều ý kiến từ dư luận. Là một người làm chính sách thuế nhiều năm và bây giờ làm công tác quản lý thuế, ông có chia sẻ gì về dự thảo này?
– Ông Nguyễn Văn Phụng: Tôi đã trải qua gần 20 năm làm công tác chính sách tại Bộ Tài chính nên đã chứng kiến được rất nhiều khó khăn trong mỗi lần đưa ra một đề xuất hoặc dự thảo chính sách mới. Ngành Tài chính đã quán triệt quan điểm là luôn công khai minh bạch, theo hướng “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, nên tất cả các việc từ lớn đến nhỏ đều xin ý kiến rộng rãi các tổ chức và nhân dân qua nhiều phương thức, cũng như qua các phương tiện thông tin đại chúng. Đây là cách làm ngày càng thể hiện quyết tâm chính trị của Bộ Tài chính, thể hiện đầy đủ trách nhiệm của mình đối với nhân dân, đất nước.
Lần này, theo chủ trương, Bộ Tài chính cũng sẽ trình Chính phủ để đề xuất với Quốc hội về việc sửa đổi bổ sung một số luật thuế, theo lộ trình chiến lược cải cách hệ thống thuế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 732 ngày 17/5/2011. Và cũng như nhiều lần trước, Bộ Tài chính đã tổ chức lấy ý kiến công khai các tổ chức, cá nhân bao gồm các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý, người dân, doanh nghiệp và các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan.
Tuy nhiên, lần sửa đổi này sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với những lần trước, bởi trong bối cảnh kinh tế đất nước vẫn còn khó khăn, Chính phủ đang triển khai nhiều biện pháp cải cách thủ tục hành chính,… Trên mạng Internet đã có một số trang web cá nhân, một số trang mạng thông tin không chính thống, đưa tin không đúng làm ảnh hưởng tới công việc chung của Bộ Tài chính, của ngành. Cá nhân tôi cũng là một người bị nêu tên trích dẫn không chính xác và không chân thực.
* PV: Ông vừa nhắc tới việc ông cũng là “người bị hại”. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về việc này?
– Ông Nguyễn Văn Phụng: Cá nhân tôi thực sự rất buồn khi sáng nay (22/8), có nhiều cuộc gọi đến từ bạn bè hỏi thăm, chia sẻ về việc một số trang mạng dẫn lời, cũng như đăng ảnh tôi (ảnh lúc còn làm công tác xây dựng chính sách mấy năm trước). Đặc biệt hơn, những trang này còn giật tít mang màu sắc chính trị, đụng chạm tới vấn đề Biển Đông. Sau khi đọc tin tôi rất sốc. Bởi tôi không nói thế và tôi không được giao nhiệm vụ về phát ngôn tuyên truyền.
Tôi khẳng định đến trước thời điểm này tôi không nói chuyện với bất cứ người nào và không trả lời phỏng vấn phóng viên nào về vấn đề này như những lời mà các trang mạng đó đưa tin – một thông tin đăng tải và viện dẫn rất là “ác ý”.
Riêng về dự án luật này, trong trách nhiệm của mình, tôi đã phản ánh đầy đủ thông tin với Bộ và Tổng cục Thuế, cũng như với dư luận và nhân dân. Tôi cho rằng, mọi thứ chúng ta làm đều công khai, minh bạch để thực hiện nghị quyết của Đảng, của Bộ Chính trị về tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu DNNN và tái cơ cấu ngân sách nhà nước. Do vậy, lần này, Bộ Tài chính sẽ tiến hành đề xuất xây dựng 1 luật sửa 5 luật trên tinh thần chung là thể chế hoá chủ trương của Đảng về hoàn thiện chính sách thuế, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc sửa cùng lúc nhiều luật sẽ đảm bảo được việc thay đổi đồng bộ và sự tương thích giữa các luật với nhau, khắc phục được những vướng mắc của các luật thuế hiện hành. Đồng thời, đây cũng là một bước để người dân có cơ hội thấy toàn cảnh hệ thống chính sách thuế của chúng ta.
* PV: Có một vài ý kiến trái chiều thiếu tích cực cho rằng, việc đề xuất điều chỉnh một số sắc thuế lần này do thu chi ngân sách gặp khó khăn. Ông có suy nghĩ gì về điều này?
– Ông Nguyễn Văn Phụng: Hằng năm, Quốc hội, Chính phủ đều công khai thu chi ngân sách và dự toán ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Mọi khoản thu-chi ngân sách đều được Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng mới thông qua và có cơ chế giám sát chặt chẽ. Do vậy, tôi nghĩ rằng, việc Bộ Tài chính đang xây dựng chính sách trong đó có đề xuất tăng một số mức thuế nhưng cũng có cả mức giảm thuế và việc sửa các luật thuế không phải do chi nhiều, hay ngân sách thiếu hụt nguồn thu. Bởi chẳng hạn, việc chi ngân sách luôn dưới sự giám sát, kiểm soát gắt gao từ Quốc hội, cũng như các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, các nhà tài trợ quốc tế (bởi họ cho ta vay) và hơn hết là sự giám sát rất lớn từ người dân, các tổ chức chính trị xã hội. Cũng cần khẳng định rằng, việc điều chỉnh một số nội dung của các sắc thuế chính đang xin ý kiến đều nằm trong lộ trình, kế hoạch thực hiện Chiến lược Tài chính đến năm 2020, Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 – 2020.
Việc sửa đổi này cần đặt ra trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu hơn khi các cam kết cắt giảm thuế quan trên diện rộng và mạnh mẽ hơn từ năm 2018, do đó bắt buộc phải thực hiện cơ cấu lại nguồn thu cho NSNN. Bởi những khoản thu từ hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) theo lộ trình sẽ cắt giảm về 0%, do vậy để đảm bảo được tỷ lệ động viên hợp lý thì cùng với việc kiểm soát chặt chẽ, tiết giảm chi tiêu ngân sách thì đương nhiên chúng ta phải cân đối lại cơ cấu các sắc thuế nội địa trong toàn bộ hệ thống.
Thực tế trong những năm 2011 – 2015 vừa qua, tỷ lệ huy động thu NSNN bình quân là 23,4%GDP (so với mục tiêu đề ra là 23 – 24% GDP); trong đó, động viên về thuế và phí đạt 21,6%GDP (mục tiêu 22 – 23%GDP). Tuy nhiên, những năm gần đây, khi chúng ta cắt nhiều về thuế XNK, giảm thuế suất thuế TNDN để trợ giúp doanh nghiệp (DN) thì tỷ lệ động viên về thuế có nguy cơ không đảm bảo được mức đã đề ra. Cũng cần nhắc lại là mức 22-23% là mức được tính toán kỹ lưỡng, khoa học để đảm bảo cho nền kinh tế trong nước phát triển ổn định, trên cơ sở đó chúng ta có thể bảo đảm được nhu cầu chi tiêu thường xuyên của ngân sách theo xu hướng tiết kiệm cũng như bảo đảm an sinh xã hội.
Phải thấy rằng, việc xây dựng chính sách thuế đã được chúng ta đưa ra rất công khai, dân chủ. Với một chính sách mới và có tính đột phá như lần này việc có các ý kiến dù thuận hay không thuận thì cũng là dễ hiểu. Điều cần làm là phải tăng cường giải thích để người dân hiểu, đồng cảm và ủng hộ. Chúng ta điều chỉnh giảm thuế TNDN của DN nhỏ và vừa (NVV) cũng với giảm nhẹ quy định về thủ tục để tạo điều kiện tốt hơn cho DN, giúp họ có niềm hứng khởi khi tham gia và thương trường. Chúng ta cũng sắp xếp lại thuế GTGT phù hợp với thực tiễn của nước ta, có tính tham khảo những điểm tốt của thông lệ quốc tế và bám sát chương trình đã đặt ra.
* PV: Về mặt lý thuyết, các sửa đổi về mặt chính sách đều hướng tới cái mới, cái tích cực. Vậy theo ông, tinh thần “khoan sức dân” trong đề xuất sửa luật của Bộ Tài chính lần này là gì, thưa ông?
– Ông Nguyễn Văn Phụng: Tinh thần “khoan sức dân” trong chủ trương xây dựng luật sửa đổi lần này thể hiện trên hai khía cạnh.
Đầu tiên là chúng ta dự kiến sẽ đề xuất lên các cấp một số chính sách nhằm tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính để tạo thuận lợi cho cộng đồng DN, giúp họ có thêm thời gian để tập trung nguồn lực, sức lực vào sản xuất kinh doanh. Và khi sản xuất kinh doanh đã phát triển thì với mức thuế dù ổn định và thấp hơn một chút, mà quy mô DN tăng, doanh thu và thu nhập tăng, thì chắc chắn tổng mức đóng góp cho ngân sách cũng sẽ tăng.
Ở khía cạnh thứ hai, Việt Nam hiện có trên 95% là DNNVV, trong số đó có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Do vậy, chủ trương sửa đổi chính sách thuế lần này sẽ “khoan sức” cho một lớp đối tượng rất rộng trong cộng đồng DN.
Cá nhân tôi nghĩ rằng, khi nghiên cứu, các nhà làm chính sách đã tính toán rất kỹ các mối tương quan giữa DN lớn và DNNVV, giữa DN trong nước với DN có vốn đầu tư nước ngoài, thị trường và đặc biệt là người dân.
Đối với người dân, chính sách thuế đề xuất lần này cũng có liên quan trực tiếp đến những người làm công ăn lương nộp thuế TNCN. Dù số người được hưởng lợi là số đông, trong khi người bị ảnh hưởng ở diện rất hẹp (ví như người trúng xổ số), nhưng nếu giải thích không cặn kẽ thì người dân cũng chưa thông. Điều này sẽ được các nhà khoa học, các chuyên gia tính toán cụ thể hơn, nhưng theo góc nhìn của tôi, với cách tính về thuế TNCN lần này sẽ tạo ra bước đi rất mạnh trong việc “khoan sức dân”.
Do vậy, một luật sửa nhiều luật dựa trên tinh thần chung là “khoan sức dân”, bởi tổng tỷ lệ động viên thuế vẫn bám sát mục tiêu như chiến lược cải cách thuế đã đề ra; việc còn lại là làm thế nào để giải thích cho người dân, doanh nghiệp hiểu và ủng hộ.
* PV: Ông có thể đánh giá cụ thể hơn về tác động tích cực tới khối DN nhỏ, siêu nhỏ khi dự luật đề xuất giảm thuế TNDN từ 20% xuống còn 17%, thậm chí 15%?
– Ông Nguyễn Văn Phụng: Theo tôi, tác động lớn nhất và đầu tiên đó là tới ý chí kinh doanh, niềm hứng khởi kinh doanh. DNNVV được giảm thuế đương nhiên cùng sẽ tạo tâm lý sẵn sàng kinh doanh cho họ.
Cùng với đó, tinh thần của sửa luật lần này sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng sự trợ giúp về quy trình thủ tục để người dân thấy được rằng, việc chuyển từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp sẽ có nhiều thuận tiện, lợi ích hơn.
Và cuối cùng, khi doanh nghiệp kinh doanh tốt thì kinh tế sẽ phát triển và trong đó sự đóng góp của doanh nghiệp vào ngân sách cũng tốt hơn cho dù chúng ta giảm thuế suất.
* PV: Một trong những đề xuất nhận được nhiều sự quan tâm nhất của dư luận là tăng thuế VAT từ 10% lên 12%. Ông có ý kiến gì về tính phù hợp của đề xuất này?
– Ông Nguyễn Văn Phụng: Dưới góc nhìn cá nhân, tôi thấy rằng, Việt Nam xuất phát là nước đi lên từ nông nghiệp và do vậy các chính sách thuế đưa ra cũng đã có những bước đi thận trọng, hạn chế gây sốc cho nền kinh tế và người dân. Ban đầu thuế suất thuế GTGT của chúng ta đưa ra gồm nhiều mức: 0% cho hàng hóa xuất khẩu, 5% đối với các mặt hàng thiết yếu, 10% dành cho hàng hóa đại đa số, và 20% áp dụng với một số hoạt động như môi giới, đại lý,… Qua thực tiễn phát triển, chúng ta cũng đã bỏ thuế suất 20% và duy trì 3 mức thuế suất còn lại trong một thời gian khá lâu. Từ một nước có mức thu nhập thấp, rất thấp, chúng ta đã vươn lên trở thành một nền kinh tế có mức thu nhập trung bình, cùng với sự nỗ lực của nhân dân, sự đầu tư rất lớn của NSNN trong nhiều năm qua vào các cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội để tạo đà cho phát triển,… thì nay đã đến lúc chúng ta cần tính đến việc cơ cấu lại một số sắc thuế, điều chỉnh một số mức thuế.
Do vậy, chúng ta thay đổi lần này cũng nhằm đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát triển nền kinh tế, cũng như xu hướng chung của quốc tế. Việc tăng thuế gián thu là xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới khi họ chuyển sang giai đoạn phát triển mới và họ cũng tăng khá nhanh để thay đổi, tái cơ cấu nguồn thu ngân sách.
* PV: Ông đánh giá thế nào về tính khả thi của dự luật đang lấy ý kiến?
– Ông Nguyễn Văn Phụng: Phải nói rằng, ngành Tài chính và ngành Thuế chịu sức ép rất lớn về cải cách hành chính. Năm 2014, Bộ Tài chính đã ban hành một thông tư sửa 7 thông tư với rất nhiều thủ tục cải cách. Cũng năm đó, với sự chỉ đạo kiên quyết của lãnh đạo Bộ và các đơn vị hữu quan, chúng ta cũng đề xuất sửa một Nghị định sửa nhiều Nghị định trên tinh thần, mục tiêu đẩy mạnh cải cách hành chính.
Ngành Thuế đã chịu sức ép rất lớn trong việc chuyển đổi việc kê khai, nộp thuế từ thủ công sang sử dụng phương tiện điện tử, nhưng rõ ràng, đây là những nền tảng tạo sự chuyển biến trong ngành và trong cộng đồng doanh nghiệp. Trước đây, thời gian doanh nghiệp nộp thuế lên tới 800 giờ, rồi xuống 600, 500 giờ; nhưng hiện nay chỉ còn hơn 100 giờ – đây là một bước tiến rất dài mặc dù chúng ta chưa thể bằng lòng với điều đó.
Trên cơ sở đó, tôi nghĩ rằng, chúng ta mạnh dạn đề xuất 1 luật sửa 5 luật là hợp lý, khả thi vì đã có kinh nghiệm, kết quả, nguồn lực con người và cơ sở hạ tầng từ thực tiễn. Điều này cũng mở ra cơ hội rất lớn để chúng ta tiếp tục cải cách công tác thuế trong tương lai, giảm tiếp giờ nộp thuế, đặc biệt là sau này áp dụng thành công hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc.
* PV: Xin cảm ơn ông!
Huy Sáu – Duy Thái (thực hiện)
TBTC