01 Th9 Việt Nam đang chi cho bảo vệ môi trường lớn hơn thu
Theo đại diện GIZ, thuế bảo vệ môi trường có một vai trò nổi bật, nhất là khi Chính phủ Việt Nam đã quyết định tăng trưởng theo hướng bền vững. Tăng thuế sẽ giúp giảm bớt việc sử dụng tài nguyên, và người sử dụng sẽ phải trả giá cao hơn thông qua thuế đối với thiệt hại môi trường.
Ông Michael Krakowski phát biểu tại hội thảo.
Ngày 31/8/2017, tại Đà Nẵng, Bộ Tài chính phối hợp cùng dự án Hợp phần 4 Tài khóa xanh do Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường (BVMT).
Chi cho BVMT cao hơn mức thu
Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Michael Krakowski, Cố vấn trưởng dự án hiện đại hóa nền tài chính công do EU tài trợ (EU – PFMO), thay mặt Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) cho rằng, Luật Thuế BVMT đang được thực hiện trong năm thứ sáu. Kể từ khi thực hiện đã đạt được những kết quả nhất định, như thể chế hóa được các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước; khuyến khích phát triển kinh tế giảm bớt ô nhiễm môi trường; đóng góp vào tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN); nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội và người dân.
Nhấn mạnh hơn quan điểm này, theo ông Michael Krakowski, những ai sử dụng phương tiện tiêu hao năng lượng ảnh hưởng đến môi trường thì đều phải nộp thuế. Thông qua chính sách thuế mới đạt mục tiêu BVMT tốt hơn.
“Chúng ta thực hiện thu thuế BVMT không chỉ dùng cho mục đích BVMT mà thuế đạt hai mục tiêu: tài trợ cho các hoạt động môi trường và tạo dư địa để Nhà nước tài trợ cho các hoạt động khác liên quan. Tôi nghĩ rằng ở Việt Nam cũng đã có định nghĩa cụ thể thế nào là khoản chi cho hoạt động môi trường, đối với chúng tôi, tất cả khoản chi cho các hoạt động liên quan như đầu tư xây dựng tàu điện ngầm, tàu điện trên cao… cũng là những khoản chi về mục đích môi trường. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã chi cho mục đích môi trường đang lớn hơn khoản thu được”, ông Michael Krakowski nói.
Minh chứng cho nhận định này, báo cáo tại hội thảo, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, qua hơn 5 năm triển khai thực hiện Luật Thuế BVMT hiện hành, số thu thuế BVMT liên tục tăng ổn định qua các năm từ năm 2012 đến năm 2016. Tổng số thu thuế BVMT giai đoạn 2012-2016 khoảng 105.985 tỷ đồng, bình quân khoảng 21.197 tỷ đồng/năm, chiếm tỷ trọng khoảng 1,48% đến 4,27% trên tổng thu NSNN và khoảng 0,34% đến 0,98% trên GDP hàng năm. Trong đó, năm 2012 là 11.160 tỷ đồng; năm 2013 là 11.512 tỷ đồng; năm 2014 là 11.970 tỷ đồng; năm 2015 là 27.020 tỷ đồng; năm 2016 khoảng 44.323 tỷ đồng.
Khoản thu từ thuế BVMT không phải là khoản thu mang tính đối giá và hoàn trả trực tiếp, không quy định sử dụng cho các nhiệm vụ chi cụ thể mà để thực hiện các nhiệm vụ chi theo quy định của Luật NSNN và được Quốc hội phê duyệt hàng năm.
Luật NSNN quy định các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật được tổng hợp đầy đủ vào cân đối NSNN, theo nguyên tắc không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể.
Tổng chi NSNN cho các nhiệm vụ BVMT giai đoạn 2012 – 2016 (bao gồm cả các khoản vay, viện trợ đã đưa vào NSNN để chi thường xuyên cho BVMT hoặc chi đầu tư phát triển BVMT; chưa tính chi các hoạt động kinh tế, chi đầu tư phát triển, chi dự phòng của ngân sách địa phương cho các nhiệm vụ BVMT và các khoản vay, viện trợ chi trực tiếp cho dự án về BVMT không đưa vào NSNN) khoảng 131.857 tỷ đồng, bình quân khoảng 26.371 tỷ đồng/năm, cao hơn số thu thuế BVMT giai đoạn 2012-2016.
Ngoài ra, còn một số nội dung, nhiệm vụ do NSNN chi trả góp phần BVMT như: các dự án, chương trình khoa học công nghệ ứng dụng công nghệ xanh, bền vững,…
Sẽ tính toán mở rộng cơ sở thuế
Mặc dù đã đạt những kết quả nhất định, nhưng theo ông Michael Krakowski, một số quy định trong Luật hiện hành còn bất cập, hạn chế và trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tình hình mới về phát triển kinh tế xã hội, đồng thời để thực hiện chiến lược cải cách thuế đến năm 2020 thì cần phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế BVMT.
Giải thích rõ hơn quan điểm này, ông Michael Krakowski cho rằng, Luật Thuế BVMT có một vai trò rất quan trọng. “Đối với chúng tôi, Luật này là một nền tảng quan trọng trong việc tiếp tục phát triển hệ thống thuế của Việt Nam”.
Theo ông Michael Krakowski, ở Việt Nam cũng như ở các nước khác, đang có một quá trình diễn biến rất nhanh về hội nhập, trao đổi quốc tế về hàng hóa và dịch vụ. Thời kỳ đầu của quá trình này, nhiều nước đã huy động một lượng lớn số thu thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu. Với việc ngày càng hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế và các hiệp định thương mại quốc tế thì các nguồn thu từ ngoại thương giảm dần; do vậy phải tìm kiếm các nguồn thu thuế khác để tài trợ các nhiệm vụ của nhà nước.
“Trong quá trình điều chỉnh và tiếp tục phát triển hệ thống thuế, thuế BVMT có một vai trò nổi bật, nhất là khi Chính phủ Việt Nam đã quyết định tăng trưởng theo hướng bền vững. Do vậy cần tăng thuế đối với việc sử dụng tài nguyên và như vậy cũng bao gồm tất cả các chi phí ngoại vi phát sinh. Một mặt sẽ giúp giảm bớt việc sử dụng tài nguyên, mặt khác người sử dụng sẽ phải trả giá cao hơn thông qua thuế đối với thiệt hại môi trường bị gây ra”, ông Michael Krakowski cho biết.
Tại hội thảo, đa số các ý kiến đều đồng thuận với nội dung trong dự thảo Luật được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến, trong đó một số ý kiến còn đề nghị mở rộng cơ sở thuế BVMT, thay vì chỉ điều chỉnh khung thuế như dự thảo Luật. Giải đáp tại hội thảo, ông Phạm Đình Thi cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tính toán thêm với các đề xuất này, nhưng trước mắt chưa thực hiện trong đợt chỉnh sửa, bổ sung lần này.
“Thuế chỉ là một trong những công cụ BVMT. Ngoài thuế còn có nhiều giải pháp khác để BVMT, như phí (nước thải, khai thác khoáng sản…) và các quy định khác trong Luật BVMT, các chính sách này cũng sẽ góp phần BVMT”, ông Thi cho biết thêm.
Được biết sau khi lấy ý kiến tiếp thu, dự thảo Luật sẽ được Bộ Tài chính hoàn thiện trình Chính phủ, trình Quốc hội tại kỳ họp vào tháng 10/2017. Dự kiến ngày 8/9 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ thẩm tra sơ bộ dự thảo Luật trước khi chính thức đưa vào chương trình thảo luận và cho ý kiến./.
Hoàng Lâm
Thoibaotaichinh