04 Th7 Việt Nam đối diện với nguy cơ giảm ngân sách từ các hiệp định thuế
Cảnh báo này vừa được tổ chức quốc tế ActionAid tại Việt Nam đưa ra trong báo cáo mang tên “Hiệp định tránh đánh thuế hai lần ở Việt Nam: thảm đỏ cho ai?” nhân Ngày quốc tế dịch vụ công (23/6) và Tuần lễ hành động toàn cầu về công bằng thuế (19-23/6/2017).
Theo Actionaid, dù các hiệp định tránh đánh thuế hai lần (DTTs) được đánh giá có ảnh hưởng tích cực trong việc thu hút FDI, song việc tham gia DTTs đang có nguy cơ làm giảm số thu ngân sách của Việt Nam. Phân tích rõ hơn, Actionaid cho biết, từ năm 1992, Việt Nam đã ký DTTs với 76 quốc gia – nhiều hơn các nước Lào, Myanmar, Campuchia và Philippines cộng lại. Nhìn chung, DTTs đã làm giảm số thu thuế tại Việt Nam từ người cư trú tại nước khác, kể cả từ người dân Việt Nam khi cho phép được khấu trừ thuế mà họ đã trả ở nước ngoài trong số tiền thuế mà họ phải trả trong nước. Nhưng bù lại, Việt Nam đã thu hút được rất nhiều nhà đầu tư lớn. Cụ thể, hiện nay đối tác hiệp định chiếm 84% tổng số dự án và 77% vốn đăng ký FDI vào Việt Nam. Trong số này, 10 đối tác FDI hàng đầu đã ký kết hiệp định với Việt Nam từ những năm 1990. Điều này tác động không nhỏ tới môi trường đầu tư cũng như khả năng tăng ngân sách của Việt Nam.
Theo đánh giá của Actionaid, mặc dù so với các quốc gia đang phát triển khác, các hiệp ước của Việt Nam nói chung đã bảo vệ quyền lợi tốt hơn trong việc đánh thuế. Tuy nhiên, rất khó để xác định được mức ảnh hưởng mà DTTs gây ra đối với quyết định đầu tư. Chẳng hạn, DTTs với Lào và Singapore ngăn cản Việt Nam đánh thuế cổ tức của các công ty từ các quốc gia này, ngay cả khi các công ty này tạo ra thu nhập hoặc lợi nhuận ở Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng do Singapore là nước cung cấp FDI lớn thứ 3 vào Việt Nam, nên doanh thu tiềm năng bị mất do hiệp định này có thể rất lớn. Tương tự, DTTs với 4 nước cung cấp vốn FDI vào Việt Nam (Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Đài Loan) nằm trong số 25% sở hữu các hiệp định hạn chế nhất với Việt Nam. Ngoài ra, việc giảm thuế thu nhập từ FDI tạo áp lực lớn hơn đối với các nguồn lực trong nước để đáp ứng nhu cầu của người dân và cung cấp các dịch vụ công cần thiết. “Điều này cho thấy, sự cần thiết phải xem xét lại cẩn thận bất kỳ thỏa thuận nào có khả năng làm giảm thu thuế từ các công ty nước ngoài” – báo cáo của Actionaid nhấn mạnh.
Theo Tổng cục Thống kê, số lượng và tỷ trọng DN có vốn đầu tư nước ngoài bị lỗ tại Việt Nam đang gia tăng, trong đó tỷ lệ lỗ tại các DN 100% vốn nước ngoài cao hơn các công ty liên kết. Mặc dù những tổn thất này không liên quan trực tiếp đến chuyển giá, nhưng một số DN vẫn mở rộng đầu tư bất chấp việc ghi nhận lỗ thường xuyên. Vì thế, Việt Nam đã ngày càng chú trọng hơn tới các giải pháp chống lại việc trốn thuế trong các giao dịch giữa các bên liên quan.
Từ những dẫn chứng trên, Actionaid cho rằng, tuy DTTs có thể đem lại lợi ích trong việc thu hút vốn FDI, song vẫn có những rủi ro tiềm ẩn từ các điều khoản trong một số hiệp ước với các nhà đầu tư lớn, làm hạn chế nguồn thu ngân sách của Việt Nam. Actionaid cũng cho rằng, mặc dù Việt Nam đã giành được nhiều lợi ích từ việc hội nhập hiệu quả vào nền kinh tế thế giới, nhưng đã đến lúc phải tập trung vào “hội nhập tối ưu” hơn là “hội nhập tối đa”. Để đạt được điều này, Actionaid đưa ra ba khuyến nghị cho Việt Nam đó là: tránh hứa hẹn hoặc mở rộng hiệp định mới cho nước ngoài cho tới khi có thêm bằng chứng về những tác động hiện có. Bất kỳ quyết định để đưa vào DTTs mới phải dựa trên bằng chứng về những tác động trong quá khứ, các tác động tiềm tàng trong tương lai và tham vấn cộng đồng. Tiếp đến, Việt Nam cũng nên xem xét lại các quy tắc hiệp định và thực hiện các điều chỉnh cần thiết, bao gồm đàm phán lại khi các điều kiện này quá hạn chế. Cuối cùng là, cần xem xét vai trò quan trọng của thuế trong việc đóng góp vào các dịch vụ có tính nhạy cảm giới cho phụ nữ và trẻ em gái, xem đây là nhu cầu về thu thuế cho ngân sách để cung cấp các dịch vụ an sinh xã hội.
Tapchithue
Trần Ngọc Linh