Xóa nợ thuế đúng đối tượng: Thanh lọc doanh nghiệp, minh bạch ngân sách

Xóa nợ thuế đúng đối tượng: Thanh lọc doanh nghiệp, minh bạch ngân sách

Trao đổi với phóng viên TBTCVN xung quanh dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý xóa nợ, khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt không có khả năng thu hồi mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến.

Luật sư (Ls) Lê Thị Hồng Vân – Giám đốc Công ty Luật TNHH Labor Law cho rằng, việc xóa nợ thuế theo đề xuất của cơ quan chủ trì soạn thảo là rất cần thiết.

PV: Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo nghị quyết trình Chính phủ, trình Quốc hội về xóa nợ 26.500 tỷ đồng nợ thuế cho doanh nghiệp (DN). Nhiều ý kiến cho rằng, việc xóa nợ đối với những trường hợp không thể thu hồi là rất cần thiết. Quan điểm của bà về vấn đề này thế nào?

– Ls Lê Thị Hồng Vân: Theo tôi, trước hết cần phải có quy định và xác định đúng đối tượng nằm trong diện xóa nợ, để tránh tình trạng “trốn nợ” hoặc trục lợi ăn theo các quy định pháp luật. Cụ thể, đối tượng phải là những DN đã được xác định chính xác là không còn hoạt động trên thực tế (diện DN bỏ trốn hoặc không còn hoạt động tại trụ sở đã đăng ký trong thời hạn 5 năm trở lên); hoặc những trường hợp bị cơ quan đăng ký kinh doanh thu hồi giấy phép, nhằm tránh tình trạng có khi một DN đã “đẻ” thêm DN nữa và cố tình đẩy “DN mẹ” vào tình trạng “hấp hối” để trốn tránh các nghĩa vụ khác.

Đối với những DN không còn tồn tại, việc xóa nợ hay không, không có giá trị về mặt thực tiễn hay lý luận, mà đó là điều đương nhiên. Tuy vậy, cần phải có một cơ quan chức năng vào cuộc để xác định và ra quyết định về việc xóa nợ; tránh tình trạng để con số nợ xấu này ngày càng lớn. Bởi lẽ, việc nợ thuế, theo quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn, vẫn tính tiền lãi chậm nộp theo kiểu “lãi mẹ đẻ lãi con” trong suốt thời gian DN không tồn tại. Đây chỉ là con số lũy kế để báo cáo, chứ thực tế, số nợ và số tiền phạt chậm nộp đó không thể thu hồi được, vì không có cá nhân hay tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm để trả nợ.

Một lý do nữa để lý giải việc rất cần thiết phải xóa nợ, đó là chúng ta cần thanh lọc lại con số những DN không còn tồn tại trên thực tế. Trong một trường hợp khác, một DN sản xuất kinh doanh gặp những tình huống bất khả kháng như cháy nổ, thiên tai, bão lụt… không còn khả năng tồn tại nữa mà chứng minh được DN mình gặp phải các tình huống trên, cũng cần thiết được xóa nợ, bởi lẽ khi lâm vào tình trạng như vậy, DN cũng không còn khả năng hoạt động tiếp.

Ngoài ra, với các DN bị phá sản, theo thủ tục tuyên bố phá sản được quy định trong Luật DN cũng là đối tượng cần thiết được xóa nợ thuế.

PV: Là người thường xuyên tiếp xúc với DN, bà thấy rằng việc các DN đã phá sản, mất tích, nhưng nợ thuế vẫn bị treo, nói cách khác, DN đã “chết” mà không “chôn” được có ảnh hưởng như thế nào đến môi trường kinh doanh của các DN nói chung?

– Ls Lê Thị Hồng Vân: Hiện tại, do thủ tục thành lập DN quy định trong Luật DN quá đơn giản, không có chế tài nghiêm khắc trong việc xử lý các “DN ma” nên có quá nhiều DN được thành lập, nhưng không hoạt động hoặc thành lập xong rồi “bỏ quên”. Cũng có những DN thành lập ra nhằm che giấu cho một phi vụ làm ăn phi pháp nào đó rồi “biến mất”.

Điều này khiến cho môi trường kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là những DN làm ăn chân chính. Ví dụ như trong cùng 1 địa chỉ tòa nhà, có nhiều DN cùng lấy làm địa chỉ trụ sở chính. Nếu một, hoặc một vài DN có đăng ký tại đây đã phá sản, hay “mất tích” và vẫn đang nợ thuế sẽ ảnh hưởng đến các DN khác đang hoạt động tại tòa nhà này. Do đó, tôi cho rằng nếu xóa nợ thuế đúng đối tượng, có quy trình chặt chẽ sẽ tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch cho các DN nói chung.

PV: Có quan điểm cho rằng, khi Nhà nước xóa nợ thuế, dù mất một khoản tiền cho ngân sách, nhưng DN sau khi sắp xếp lại, sẽ phục hồi và phát triển mạnh lên, qua đó sẽ làm tăng thu cho ngân sách nhà nước (NSNN). Việc bỏ cái trước, được cái sau còn hơn là “đè” DN ra để đòi nợ. Bà có nghĩ như vậy không?

– Ls Lê Thị Hồng Vân: Thực tế thì có “đè” bằng biện pháp nào đi chăng nữa cũng không thể đòi nợ được, trừ khi có căn cứ để khởi tố hình sự về tội trốn thuế. Bởi lẽ như đã nêu ở trên, chỉ áp dụng xóa nợ thuế cho những DN đủ điều kiện xóa nợ, mà không phải những DN cố tình đẩy mình vào hoàn cảnh đó để trục lợi.

Nhà nước mất một khoản tiền cho ngân sách, nhưng cũng xuất phát từ những rủi ro, hoặc hoàn cảnh bất khả kháng của DN dẫn đến tình trạng không có khả năng thanh toán tiền thuế. Do vậy, xóa nợ thuế cho các DN thuộc diện này là việc cần làm.

Việc xóa nợ thuế đối với các DN đủ điều kiện cũng làm chính xác hơn số liệu NSNN. Vì về nguyên tắc, nợ thì phải trả, chưa trả sẽ bị tính lãi chậm trả. Nhưng thực tế, những DN nợ thuế này không còn khả năng trả nợ, nhưng con số nợ vẫn nằm trong số liệu của thu ngân sách. Do đó, con số ảo này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến việc cân đối các chính sách khác của Nhà nước.

PV: Theo bà, cùng với việc xóa nợ nhằm làm minh bạch nguồn thu, cơ quan thuế cần phải làm gì để giảm tiền nợ thuế và số nợ đó là nợ thực chứ không phải nợ ảo như trước đây?

– Ls Lê Thị Hồng Vân: Tôi cho rằng cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý thuế, phần mềm kê khai thuế cần được nâng cấp liên tục để đảm bảo việc rà soát các DN hoạt động báo cáo chính xác. Việc thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử cũng cần được mở rộng. Ngoài ra, cần phải thường xuyên lập các đoàn kiểm tra, thanh tra thuế đến các DN. Nếu một DN nợ thuế trong thời hạn 3 tháng thì phải có chế tài nghiêm khắc để xử lý. Để làm được việc này, cần sửa đổi, bổ sung luật thuế và các văn bản hướng dẫn.

Ngoài ra, cũng cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan khác ngoài cơ quan thuế như: Cơ quan công an cần vào cuộc nhanh chóng khi phát hiện thấy những DN hoạt động không minh bạch…

PV: Xin cảm ơn bà!

Nhật Minh (thực hiện)
Thoibaotaichinh