Việt Nam thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu như thế nào?

Việt Nam thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu như thế nào?

Thuế tối thiểu toàn cầu hiện đang thu hút sự chú ý đặc biệt của toàn xã hội bởi liên quan đến việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài của một quốc gia. Cổng TTĐT Tổng cục Thuế đã có cuộc phỏng vấn Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) Lưu Đức Huy để tìm hiểu thêm Việt Nam thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu như thế nào?  

PV. Thưa ông, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu đang được thực hiện như thế nào tại khối các nước chủ yếu có vốn đầu tư ra nước ngoài và khối các nước chủ yếu tiếp nhận vốn đầu tư từ nước ngoài?

Ông Lưu Đức Huy: Như các bạn đã biết, các nước có vốn đầu tư ra nước ngoài, về cơ bản sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 để thu thêm phần chênh lệch từ mức thuế thực tế so với thuế tối thiểu toàn cầu (15%), trong đó có các nước có số vốn đầu tư lớn vào Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore…

Trong đó, các nước thuộc Liên minh Châu Âu, các nước Châu Âu không phải thành viên của EU như Thụy Sĩ, Vương Quốc Anh, Na Uy và các nước Châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Úc sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024.

Riêng Hoa Kỳ đã nâng mức thuế suất tối thiểu của Cơ chế thuế tối thiểu của hiện hành của Mỹ từ 10,5% lên 21% và sửa đổi các quy tắc liên quan để phù hợp với các quy định về Thuế tối thiểu toàn cầu.

Các nước nhận vốn đầu tư từ nước ngoài, tương tự như Việt Nam đang nghiên cứu để đưa ra chính sách ứng phó thuế tối thiểu toàn cầu, trong đó có việc áp dụng quy định thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn để tránh việc nộp thuế bổ sung đối với phần thu nhập của công ty thành viên có thuế suất thực tế thấp hơn mức tối thiểu về các nước có công ty mẹ đóng trụ sở chính.

Đồng thời các nước này cũng nghiên cứu một số giải pháp hỗ trợ về tài chính để giữ chân các DN FDI thuộc đối tượng của thuế tối thiểu toàn cầu và thu hút các nhà đầu tư mới. Cụ thể: Indonesia áp dụng Quy định IIR từ năm 2024 và UTPR từ năm 2025. Malaysia áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024. Thái Lan áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2025.

Ngoài ra, Thái Lan đề xuất thu thuế bổ sung thuế tối thiểu nội địa đạt chuẩn và thực hiện phân bổ 50% – 70% nguồn thu thuế bổ sung này sang Quỹ Hỗ trợ công nghiệp trọng điểm thuộc Đạo luật tăng cường cạnh tranh. Quỹ này sẽ hỗ trợ các DN một phần do thực hiện việc điều chỉnh tăng thuế tối thiểu toàn cầu.

Đối với Trung Quốc, hiện nước này chưa xác định thời gian bắt đầu áp dụng các quy định của thuế tối thiểu toàn cầu. Đối với các nước Châu Phi muốn ban hành quy định thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn, theo đó tại Diễn đàn quản lý thuế Châu Phi đã phát triển phương pháp tiếp cận đề xuất để soạn thảo luật thuế bổ sung tối thiểu trong nước.

PV. Thưa ông, ưu đãi thuế, phí vẫn luôn là một trong những công cụ quan trọng để thu hút các nhà đầu tư đến Việt Nam. Vậy việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư của Việt Nam?

Ông Lưu Đức Huy: Trong quá trình nghiên cứu, Tổng cục Thuế đã đưa ra nhận định và đánh giá, thuế tối thiểu toàn cầu có thể tác động đến vị thế cạnh tranh của Việt Nam trên nhiều phương diện như:

Thứ nhất, việc áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ khiến các chính sách ưu đãi thuế hiện tại của Việt Nam trở nên kém hấp dẫn với các nhà đầu tư là các Tập đoàn công ty đa quốc gia (MNE) thuộc đối tượng áp dụng. Đây chính là cấn đề có thể ảnh hưởng tới việc thu hút và mở rộng đầu tư chất lượng cao từ phía các Tập đoàn MNE này bởi đây chính là những DN đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế của Việt Nam.

Đồng thời, thuế tối thiểu toàn cầu cũng gây ra tác động không nhỏ tới các DN vệ tinh của các Tập đoàn MNE cũng như có thể dẫn đến việc chuyển dịch đầu tư từ Việt Nam sang quốc gia khác có chính sách ưu đãi hấp dẫn hơn, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn.

Việc thiếu vắng các Tập đoàn MNE lớn cũng như các DN vệ tinh sẽ ảnh hưởng lớn tới môi trường đầu tư và vị thế cạnh tranh của Việt Nam trên quốc tế.

Thứ hai, ngoài sự đóng góp về vốn đầu tư cũng như tạo việc làm cho người lao động, các DN FDI cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực trong nước, xây dựng các hệ sinh thái ngành, đặc biệt trong lĩnh vực quan trọng là công nghiệp hỗ trợ, kết nối DN Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu để góp phần phát triển công nghiệp Việt Nam.

Theo đó việc chuyển dịch đầu tư từ các DN FDI lớn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu phát triển công nghiệp quốc gia của Việt Nam.

Thứ ba, các Tập đoàn MNE (ví dụ như Samsung – Hàn Quốc) trong những năm vừa qua đã đóng góp nhiều vào tăng trưởng xuất khẩu và dự trữ ngoại hối của Việt Nam, vì vậy thuế tối thiểu toàn cầu cũng sẽ có tác động trên cả phương diện này.

Thứ tư, qua khảo sát cho thấy, chính sách và quy định không rõ ràng, khó khăn về thủ tục hành chính và thủ tục visa là những rào cản lớn nhất để DN nước ngoài quyết định đầu tư vào Việt Nam. Đặc biệt, khó khăn về thủ tục hành chính là yếu tố lớn nhất (chiếm 70%) mà Việt Nam cần phải cải thiện để thu hút đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, cải thiện về thủ tục visa và cho phép chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam cũng ngày càng quan trọng, chiếm 47% những yếu tố để thu hút đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó là các yếu tố về phát triển về cơ sở hạ tầng (chiếm 53%), phát triển, đào tạo nguồn nhân lực (chiếm 35%), phát triển về tăng trưởng xanh (chiếm 29%).

Đặc biệt, yếu tố ưu đãi về thuế thu nhập DN đứng gần cuối danh sách những yếu tố thu hút đầu tư nước ngoài (chỉ chiếm 28%). Như vậy, việc thay đổi chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN do tác động của thuế tối thiểu toàn cầu cũng ảnh hưởng một phần trên phương diện các chỉ số xếp hạng tín nhiệm quốc gia, những yếu tố khác liên quan tới cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cần được chú trọng hơn