Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch cải cách quản lý thuế năm 2019

Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch cải cách quản lý thuế năm 2019

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CẢI CÁCH QUẢN LÝ THUẾ NĂM 2019

Triển khai thực hiện Kế hoạch cải cách quản lý thuế giai đoạn 2019-2020 được ban hành theo Quyết định số 216/QĐ-TCT ngày 13/3/2019 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, trong bối cảnh toàn ngành thuế vừa tập trung thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao vừa đẩy mạnh cải cách công tác quản lý thuế, trong năm 2019 toàn ngành thuế đã nỗ lực quyết tâm phấn đấu hoàn thành cơ bản các nội dung cải cách đã đề ra trong năm, tiến tới thực hiện thành công các mục tiêu Chiến lược vào năm 2020, kết quả cụ thể như sau:

1. Về cải cách thể chế chính sách thuế

Về cải cách chính sách thuế:

Năm 2019, bên cạnh việc tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả các Luật thuế hiện hành, Tổng cục Thuế cũng xây dựng và trình Bộ ban hành các Thông tư hướng dẫn thi hành luật theo lộ trình đề ra, bao gồm: (i) Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung các Thông tư về thuế GTGT dự kiến sẽ ban hành trong năm 2020; (ii) Dự thảo Thông tư hợp nhất hướng dẫn về thuế TNDN thay thế các Thông tư hiện hành để thực hiện thống nhất, thuận lợi trong việc tra cứu, áp dụng (hiện nay, dự thảo Thông tư hướng dẫn về thuế TNDN đã được gửi lấy ý kiến các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam); (iii) Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 44/2017/TT-BTC về khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý hóa giống nhau (đã lấy ý kiến các địa phương, Bộ ngành và VCCI, đã đăng tải trên website để lấy ý kiến theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật); Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 152/2015/TT-BTC hướng dẫn thuế tài nguyên (Hiện nay, đã lấy ý kiến các Vụ trong Bộ, đang trình Bộ duyệt dự thảo Thông tư lấy ý kiến rộng rãi các địa phương, đơn vị).

Về cải cách thể chế thuế:

Kế hoạch cải cách thể chế quản lý thuế năm 2019 đặt ra 07 nhiệm vụ gắn với các nội dung quản lý thuế cụ thể và 02 nhiệm vụ chung có tính tổng hợp, tác động đến toàn bộ nghiệp vụ quản lý thuế, gồm:

– 02 nhiệm vụ chung: (i) sửa đổi, bổ sung các quy định về thể chế quản lý thuế; (ii) tái thiết kế quy trình nghiệp vụ quản lý thuế.

– 07 nhiệm vụ cụ thể: (i) hoàn thiện các quy định để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc áp dụng quản lý rủi ro; (ii) hoàn thiện các quy định đối với giá chuyển nhượng; (iii) sửa đổi bổ sung cơ chế, chính sách theo hướng xã hội hoá hoạt động quản lý thuế đối với đại lý thuế, nhân viên đại lý thuế; (iv) sửa đổi bổ sung quy định đối với cá nhân kinh doanh; (v) hoàn thiện Chế độ kế toán thuế nội địa; (vi) xây dựng, hoàn thiện quy định về hoá đơn điện tử, hoá đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế; (vii) hoàn thiện quy định để xây dựng hệ thống CSDL NNT.

Kết quả thực hiện:

(1) Sửa đổi, bổ sung các quy định về thể chế quản lý thuế:

Luật Quản lý thuế đã được sửa đổi, bổ sung tạo cơ sở pháp lý cho quản lý thuế hiện đại, tiếp cận tới những chuẩn mực, thông lệ quốc tế tạo điều kiện cho người nộp thuế, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người nộp thuế. Qua 3 lần sửa đổi bổ sung, Quốc hội đã thông qua Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 (Luật Quản lý thuế số 38), có hiệu lực thi hành từ 1/7/2020. Luật quản lý thuế số 38 được sửa đổi, bổ sung các quy định đã đáp ứng yêu cầu của cải cách hành chính, trong đó có cải cách thủ tục quản lý thuế hướng tới hoạt động quản lý thống nhất, công khai, minh bạch, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế để phòng chống trốn thuế, thất thu và nợ đọng thuế được quy định thống nhất trong tất cả các khâu của quản lý thuế: từ khâu khai thuế, tính thuế, nộp thuế, hoàn thuế đến quản lý nợ thu, thanh tra, kiểm tra thuế.

(2) Hoàn thiện các quy định để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc áp dụng quản lý rủi ro:

Nhằm hướng tới việc áp dụng kỹ thuật quản lý rủi ro trong các khâu của công tác quản lý thuế, ngành Thuế đã thực hiện rà soát các quy định, quy trình để hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác quản lý rủi ro như: Nghiên cứu đề xuất bổ sung thêm 01 điều quy định về quản lý rủi ro trong Luật Quản lý thuế số 38 và rà soát, đưa các quy định áp dụng quản lý rủi ro trong việc tạo, lập hóa đơn điện tử vào Thông tư số 68/2019/TT-BTC ngày 30/9/2019.

Đồng thời, đã tiếp tục xây dựng và cập nhật các bộ tiêu chí, chỉ số đánh giá phục vụ quản lý rủi ro, gồm: (i) Đã nghiên cứu và hoàn thiện trình Bộ Bộ tiêu chí và chỉ số đánh giá tuân thủ pháp luật thuế đối với người nộp thuế; (ii) Nghiên cứu, xây dựng Bộ tiêu chí và chỉ số kiểm tra hồ sơ khai thuế GTGT tại Cơ quan thuế; (iii) Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Bộ tiêu chí, bộ chỉ số và quy trình nghiệp vụ lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại trụ sở NNT; (iv) Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Bộ tiêu chí, bộ chỉ số và quy trình nghiệp vụ lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại trụ sở NNT; (v) Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Bộ tiêu chí, chỉ số áp dụng quản lý rủi ro trong công tác phân tích thông tin đánh giá người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro trong việc tạo, in, phát hành và sử dụng hóa đơn theo Nghị định số 119/2018/NĐ-CP.

(3) Hoàn thiện các quy định đối với giá chuyển nhượng:

Đã tham mưu trình Bộ trình Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 20/2/2017 quy định quản lý thuế đối với doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết nhằm hoàn thiện các quy định đối với chống chuyển giá; trình Bộ Tài chính ký ban hành Thông tư số 41/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 hướng dẫn một số điều của Nghị định 20/2017/NĐ-CP, đánh dấu sự phát triển về chất trong quản lý giá chuyển nhượng tại Việt Nam, đảm bảo sự công bằng, minh bạch và đáp ứng các chuẩn mực quốc tế, góp phần cải cách hành chính về thuế thông qua việc giảm bớt nghĩa vụ kê khai và lập hồ sơ xác định giá chuyển nhượng đối với các doanh nghiệp có tỷ lệ kiểm soát giữa các bên và tỷ lệ vốn vay trong vốn chủ sở hữu dưới 25%. Bên cạnh đó, để tạo nền tảng pháp lý quản lý thuế đối với các giao dịch liên kết, ngành Thuế đã bổ sung các quy định nhằm làm rõ các khái niệm về giao dịch liên kết và các nội dung liên quan đến quản lý thuế đối với giao dịch liên kết, bổ sung thêm những nội dung quy định cụ thể hơn liên quan đến cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế trong Luật Quản lý thuế số 38.

(4) Sửa đổi bổ sung quy định đối với cá nhân kinh doanh:

Đã bổ sung một số quy định đối với hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh, trong đó bắt buộc các hộ kinh doanh quy mô lớn phải thực hiện sổ sách kế toán, nộp thuế theo kê khai – không áp dụng thuế khoán, áp dụng hóa đơn điện tử trong Luật Quản lý thuế số 38.

Bên cạnh đó, những sửa đổi bổ sung chính sách quản lý thuế hóa đơn điện tử đối với hộ sử dụng hóa đơn điện tử cũng được quy định tại Thông tư số 68/2019/TT-BTC ngày 30/9/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

Hiện nay, Tổng cục Thuế đang dự thảo quy định chi tiết, sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý thuế đối với thuế thu nhập cá nhân, thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh để phù hợp với thực tiễn phát sinh, giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế và cơ quan thuế tại Nghị định quy định chi tiết Luật Quản lý thuế số 38; đồng thời, dự thảo các nội dung cần thiết phải hướng dẫn tại Thông tư quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

(5) Sửa đổi bổ sung cơ chế, chính sách theo hướng xã hội hoá hoạt động quản lý thuế đối với đại lý thuế, nhân viên đại lý thuế:

Tại Luật Quản lý thuế số 38 đã bổ sung nhiều nội dung điều chỉnh theo hướng nâng cao vai trò và mở rộng dịch vụ cho đại lý thuế. Những thay đổi, bổ sung của Luật Quản lý thuế vừa ban hành như cho phép đại lý thuế thực hiện các dịch vụ tư vấn thuế, lập thủ tục đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, quyết toán thuế, lập hồ sơ đề nghị miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế và các thủ tục về thuế khác thay người nộp thuế. Đặc biệt, luật quy định đại lý thuế thực hiện dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ.

(6) Xây dựng, hoàn thiện quy định về hoá đơn điện tử, hoá đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế:

Trong xu hướng phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ thông tin cũng như các giao dịch điện tử như hiện nay, việc triển khai hoá đơn điện tử và hoá đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế sẽ góp phần giảm thiểu các thủ tục giấy tờ, tạo thuận tiện cho người nộp thuế cũng như đáp ứng nhu cầu cải cách hành chính trong công tác quản lý của cơ quan nhà nước. Cơ quan thuế đã đẩy mạnh nghiên cứu trình các cấp có thẩm quyền ban hành các quy định để tiến tới bắt buộc sử dụng hoá đơn điện tử. Trong năm 2019, Tổng cục Thuế đã xây dựng và trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư 68/2019/TT-BTC ngày 30/9/2019 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 119/2018/NĐ-CP về hoá đơn điện tử khi bán hàng hoá và cung cấp dịch vụ. Theo đó, từ ngày 01/11/2020, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh phải thực hiện đăng ký áp dụng hoá đơn điện tử theo hướng dẫn tại thông tư này.

Tồn tại, hạn chế, nguyên nhân:

  Bên cạnh các kết quả đã đạt được, công tác cải cách thể chế quản lý thuế vẫn còn một số tồn tại hạn chế, cụ thể:

(1) Chưa ban hành Chế độ kế toán thuế nội địa, do việc triển khai xây dựng Thông tư hướng dẫn chế độ kế toán thuế nội địa gắn với việc triển khai Dự án nâng cấp hệ thống ứng dụng quản lý thuế hiện hành theo mô hình tập trung (TMS). Vì vậy, cần có thời gian đánh giá tính khả thi của các cấu phần trong Chế độ kế toán thuế nội địa, đặc biệt phần xử lý tờ khai, chứng từ, hạch toán kế toán và tổng hợp lên báo cáo kế toán thuế, thông qua đánh giá vướng mắc thực tế sẽ tiếp thu hoàn thiện Thông tư trước khi ban hành.

(2) Chưa hoàn thiện quy định để xây dựng hệ thống CSDL về NNT đầy đủ, chính xác, phục vụ công tác quản lý thuế, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế tập trung trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, phù hợp với thông lệ quốc tế.

(3) Chưa đơn giản hoá quy định đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán, chưa xây dựng quy định khuyến khích cá nhân kinh doanh có quy mô, doanh thu  kinh doanh lớn, cá nhân kinh doanh ngành nghề đặc thù xác định được doanh thu theo thực tế kinh doanh sẽ nộp thuế theo doanh thu thực tế phát sinh hoặc chuyển thành doanh nghiệp nộp thuế theo kê khai.

(4) Chưa nghiên cứu, trình ban hành Nghị định quản lý đối với đại lý thuế, nhân viên đại lý thuế.

(5) Tái thiết kế quy trình nghiệp vụ quản lý thuế: việc tái thiết kế quy trình nghiệp vụ quản lý thuế mới chỉ được thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu phát sinh tại từng thời điểm cho từng nghiệp vụ quản lý thuế, chưa thực sự được chuẩn hoá các nguyên tắc nghiệp vụ và dòng công việc theo mô hình thông lệ quốc tế tốt nhất.

2.    Về tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực

Kế hoạch đề ra:

Kế hoạch hiện đại hoá tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực năm 2019 đặt ra 06 nhiệm vụ lớn, gồm: (i) Xây dựng tổ chức bộ máy quản lý Thuế hiện đại, hiệu lực; (ii) Điều chỉnh dần cơ cấu công chức; (iii) Nâng cao chất lượng công chức chuyên nghiệp, chuyên sâu, liêm chính; (iv) Đổi mới công tác thi tuyển nhằm nâng cao chất lượng công chức; (v) Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ của công chức thuế; (vi) Áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong việc duy trì hoạt động của cơ quan thuế.

Kết quả thực hiện:

(1) Xây dựng tổ chức bộ máy quản lý Thuế hiện đại, hiệu lực:

(a) Kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của ngành Thuế.

Triển khai Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg ngày 25/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ, tổ chức cơ quan thuế các cấp đã được tổ chức như sau: (i) Tại Cơ quan Tổng cục Thuế, gồm: 15 Vụ, Cục và Văn phòng; 03 đơn vị sự nghiệp: Trường Nghiệp vụ Thuế, Tạp chí Thuế và Ban Quản lý đầu tư xây dựng chuyên ngành; 03 Ban mềm: Ban Cải cách và Hiện đại hóa ngành Thuế; Ban Quản lý rủi ro; Ban Quản lý dự án RARS; (ii) Tại 63 Cục Thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm có: 727 Phòng, 500 Chi cục Thuế và 3.157 Đội Thuế. Như vậy, sau khi triển khai thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy cấp Phòng, Chi cục Thuế và các Đội Thuế theo mô hình tổ chức bộ máy mới thì đã tinh giản bộ máy như sau: Giảm 62 Phòng, 211 Chi cục Thuế trực thuộc Cục Thuế tỉnh, thành phố; Giảm 1.792 Đội Thuế thuộc Chi cục Thuế cấp huyện.

 Bộ máy quản lý thuế tiếp tục tổ chức theo hệ thống dọc từ Trung ương đến địa phương, đã được bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn để thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế, có phân công, phân cấp rõ ràng giữa cơ quan Thuế các cấp và trong từng cấp; thể hiện rõ vai trò chỉ đạo điều hành của cơ quan thuế cấp trên đối với cơ quan thuế cấp dưới.

(b) Kiện toàn tổ chức bộ máy ngành Thuế.

Năm 2019, tổ chức bộ máy ngành thuế tiếp tục được hoàn thiện, kiện toàn đảm bảo tăng cường năng lực thực thi, triển khai nhiệm vụ, tinh gọn đầu mối và phù hợp với công tác quản lý và tình hình thực tế tại địa phương. Cụ thể như sau:

– Đã ban hành Thông báo số 223/TB-TCT ngày 07/6/2019 của Tổng cục Thuế về việc tiếp tục duy trì hoạt động của Ban Quản lý rủi ro, Ban Cải cách và Hiện đại hoá trực thuộc Tổng cục Thuế.

– Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương về tinh gọn đầu mối quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, trong quá trình kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan thuế các cấp, Tổng cục Thuế duy trì việc nhiệm vụ pháp chế tại Vụ Pháp chế thuộc Tổng cục Thuế, không tổ chức riêng Phòng Pháp chế tại các Cục Thuế mà giao cho Phòng Nghiệp vụ – Dự toán – Pháp chế  tại cấp Cục Thuế (Quyết định số 211/QĐ-TCT ngày 12/3/2019), và Đội Tổng hợp – Nghiệp vụ – Dự toán – Pháp chế hoặc các Đội ghép thực hiện công tác pháp chế tại Chi cục Thuế (Quyết định số 110/QĐ-TCT ngày 14/01/2019).

– Theo Quyết định số 211/QĐ-TCT ngày 12/3/2019, nhiệm vụ kế toán thuế được giao cho Phòng Kê khai và Kế toán thuế thực hiện tại 63 Cục Thuế.

– Bộ máy quản lý thuế đối với các doanh nghiệp nhỏ, cá nhân, hộ kinh doanh và các khoản thu khác được hình thành tại Tổng cục Thuế và các Cục Thuế tỉnh, thành phố như sau: Tại Tổng cục Thuế: tổ chức Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp nhỏ và vừa và Hộ kinh doanh, cá nhân; Tại 44 Cục Thuế: có Phòng Quản lý hộ kinh doanh, cá nhân và thu khác; Tại 19 Cục Thuế: nhiệm vụ quản lý thuế đối với các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh, cá nhân và thu khác được giao cho Phòng Nghiệp vụ – Dự toán – Pháp chế thực hiện; Tại Chi cục Thuế: nhiệm vụ quản lý thuế đối với các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh, cá nhân và thu khác được giao cho Đội Kiểm tra thuế, Đội Nghiệp vụ quản lý thuế, Đội Trước bạ và thu khác, Đội Quản lý thuế xã, phường/liên xã phường.

(2) Điều chỉnh dần cơ cấu công chức:

Hướng tới việc điều chỉnh cơ cấu công chức đảm bảo hiệu quả, phù hợp với nhiệm vụ quản lý thuế và thông lệ quốc tế, trong năm 2019, Tổng cục Thuế đã thực hiện một số hoạt động sau:

– Thực hiện Đề án sắp xếp, hợp nhất Chi cục Thuế để thành lập Chi cục Thuế khu vực theo Quyết định số 520/QĐ-BTC ngày 13/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc phê duyệt kế hoạch sắp xếp, sáp nhập Chi cục Thuế quận, huyện, thị xã, thành phố thành Chi cục Thuế khu vực thuộc Cục Thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tính đến cuối tháng 11/2019, Tổng cục Thuế đã rà soát, trình Bộ Tài chính triển khai sắp xếp, hợp nhất 401 Chi cục Thuế trực thuộc 61 Cục Thuế để thành lập 190 chi cục Thuế khu vực, giảm 211 Chi cục Thuế (Số Chi cục Thuế còn lại là 500 Chi cục Thuế).

– Đẩy mạnh công tác luân chuyển, luân phiên, điều động, chuyển đổi vị trí công tác thông qua việc ban hành các công văn: Công văn số 157/TCT-TCCB ngày 23/11/2018 và công văn số 5355/TCT-TCCB ngày 27/12/2018 chỉ đạo các đơn vị trong ngành xây dựng kế hoạch và triển khai công tác điều động, luân chuyển, luân phiên, chuyển đổi vị trí công tác năm 2019. Đồng thời, triển khai thực hiện Quyết định số 686/QĐ-BTC ngày 19/4/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định danh mục vị trí công tác và thời hạn luân phiên, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức của Bộ Tài chính (thay thế Quyết định số 2650/QĐ-BTC ngày 15/10/2014), Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 2109/TCT-TCCB ngày 27/5/2019 yêu cầu thủ trưởng các đơn vị tiếp tục rà soát, xây dựng kế hoạch đồng thời chủ động đẩy mạnh tổ chức triển khai công tác luân chuyển, luân phiên, điều động, chuyển đổi vị trí công tác theo quy định mới ban hành và các quy định hiện hành khác, đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, đúng quy trình.