Các yếu tố ảnh hưởng đến việc vận dụng BSC tại các doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh Đắk Lắk

Các yếu tố ảnh hưởng đến việc vận dụng BSC tại các doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh Đắk Lắk

{Bài viết đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán (ISSN 1859 – 1914), số 210, Tháng 3/2021 của Ths. Nguyễn Thị Phương Thảo – Trường Đại học Tây Nguyên}


Việc áp dụng kế toán quản trị nói chung và Bảng điểm cân bằng (BSC) trong các doanh nghiệp là rất quan trọng, để tăng cường khả năng quản lý và đánh giá kết quả hoạt động của các doanh nghiệp. Nghiên cứu này được thực hiện, nhằm xác định và đo lường các yếu tố ảnh hưởng đến việc áp dụng BSC của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Từ đó khuyến nghị các giải pháp nâng cao khả năng vận dụng BSC, để tăng cường hiệu quả hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp.
Từ khóa: Bảng điểm cân bằng, hiệu quả hoạt động, doanh nghiệp
Abstract
The application of management accounting and the Balanced Scorecard (BSC) in enterprises is necessary to enhance management ability and evaluate performance. This paper aims to identify and measure the factors affecting the application of BSC in Dak Lak. Results explore that these factors have a positive effect on the application of BSC. From these findings, this study proposes some solutions to improve the BSC application to enhance business performance.
Keywords: Balanced Scoreboard; Operational efficiency; Enterprise.


1. Giới thiệu
Trong môi trường kinh doanh có nhiều biến động như ngày nay, doanh nghiệp (DN) phải xác định được vị trí của mình cũng như định rõ mục tiêu chiến lược để hoạt động hiệu quả. Hệ thống đo lường hiệu quả hoạt động, giúp doanh nghiệp đạt được các mục tiêu này.

Tuy nhiên, hệ thống kế toán quản trị truyền thống tập trung vào chỉ tiêu tài chính như lập dự toán theo kiểu truyền thống, tính giá thành sản phẩm, phân tích biến động chi phí và phân tích mối quan hệ giữa chi phí và khối lượng, hạn chế trong việc đo lường hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Thẻ điểm cân bằng (Balanced Scorecard – BSC) được đưa ra bởi Kaplan và Norton (1996b), là hệ thống đo lường hiệu quả và quản trị chiến lược, được sử dụng tại các tổ chức kinh doanh, các tổ chức phi lợi nhuận và chính phủ nhằm định hướng hoạt động theo tầm nhìn và chiến lược của tổ chức, theo dõi hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp so với mục tiêu đề ra cho từng bộ phận và nhân viên, giúp các tổ chức đạt hiệu quả cao trong việc thực thi chiến lược. BSC xem xét tổ chức từ 4 khía cạnh: Khía cạnh tài chính, khía cạnh khách hàng, khía cạnh quá trình nội bộ và khía cạnh học hỏi và phát triển.
Với đặc trưng là vùng sản xuất kinh doanh nông nghiệp là chủ yếu, các DN tại tỉnh Đắk Lắk cũng cần nâng cao khả năng thích ứng, trong đó có việc nâng cao công tác quản trị, sử dụng các công cụ quản trị hiện đại như BSC vào quản lý DN, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của DN.

2. Cơ sở lý thuyết

2.1 Cơ sở lý thuyết
BSC là biện pháp đo lường hiệu quả hoạt động kinh doanh của DN, cung cấp cho các nhà lãnh đạo cái nhìn toàn diện, giúp chuyển tầm nhìn và chiến lược của DN thành các mục tiêu và biện pháp đo lường cụ thể, được tổ chức thành bốn khía cạnh khác nhau: tài chính, khách hàng, quy trình kinh doanh nội bộ, học hỏi và tăng trưởng (Kaplan và Norton, 1996b).

Bốn quan điểm của BSC cho phép “cân bằng” giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, giữa các kết quả mong muốn đạt được trong tương lai và các kết quả trong quá khứ, yếu tố tài chính và yếu tố phi tài chính, các chỉ tiêu đầu vào và đầu ra của kết quả, các hoạt động hướng ra xã hội và các hoạt động vì nội bộ. Khi BSC được xây dựng đúng cách sẽ chứa đựng sự thống nhất về mục đích của DN, vì tất cả các biện pháp đều hướng tới việc đạt được một chiến lược chung của DN (Kaplan và Norton, 1996a, 1996b, Johnson và Kaplan, 1987).

Quan điểm tài chính: Đây là quan điểm quan trọng nhất của BSC, các thước đo chỉ tiêu tài chính cho biết việc thực hiện chiến lược của một DN có cải thiện lợi nhuận hay không (Kaplan và Norton, 1996b). Các chỉ tiêu tài chính liên quan đến lợi nhuận thường bao gồm thu nhập hoạt động, lợi nhuận trên vốn hoặc các giá trị kinh tế khác.

Theo quan điểm khách hàng của BSC: Các nhà quản lý xác định phân khúc khách hàng và thị trường mà DN sẽ cạnh tranh và các thước đo hiệu quả của DN trong các phân khúc mục tiêu này. Khía cạnh này bao gồm một số biện pháp cốt lõi: Sự hài lòng của khách hàng, giữ chân khách hàng, thu hút khách hàng mới, lợi nhuận của khách hàng và chia sẻ lợi ích khách hàng trong các phân khúc mục tiêu.
Quan điểm thứ ba là quy trình kinh doanh nội bộ của DN: Theo Kaplan và Norton (1996b), nhà quản lý xác định các quy trình nội bộ quan trọng mà tổ chức phải vượt trội so với đối thủ cạnh tranh.

Quan điểm thứ tư của BSC là học tập và phát triển: Đây là quan điểm gốc rễ, tạo nền tảng để thực hiện được các quan điểm trên. Học hỏi và phát triển bao gồm 3 yếu tố chính: con người, hệ thống thông tin và quy trình tổ chức. Các mục tiêu tài chính, khách hàng và quy trình kinh doanh nội bộ của BSC cho thấy những khe hổng lớn giữa khả năng của nhân viên, hệ thống và quy trình, những thứ cần có để đạt được hiệu quả hoạt động mang tính đột phá. Để thu hẹp những khoảng trống này, các DN sẽ phải đầu tư vào việc đào tạo lại nhân viên, tăng cường hệ thống và công nghệ thông tin và sắp xếp các quy trình hoạt động tổ chức. Những mục tiêu này là nội dung chính trong khía cạnh học tập và phát triển của BSC.