Chuyển hướng “tiền phòng, hậu kiểm” để rút ngắn thời hạn giải quyết hồ sơ chuyển nhượng BĐS

Chuyển hướng “tiền phòng, hậu kiểm” để rút ngắn thời hạn giải quyết hồ sơ chuyển nhượng BĐS

Để đảm bảo đúng nguyên tắc chỉ đạo của Bộ Tài chính “tiền phòng, hậu kiểm” trong quản lý thuế chuyển nhượng bất động sản (BĐS), Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố quán triệt đến từng chi Cục Thuế không thực hiện trả lại hồ sơ, không được kéo dài thời hạn giải quyết hồ sơ theo quy định mà cần thực hiện tính thuế theo đúng quy định tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015, Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 và chỉ đạo tại công văn số 3849/BTC-TCT ngày 28/4/2022 của Bộ Tài chính để đảm bảo thời gian theo quy định đối với các hồ sơ chuyển nhượng của người nộp thuế

Công chức thuế hướng dẫn người dân làm thủ tục tại Cục Thuế TP. Hà Nội.

Thanh tra, kiểm tra sau để rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ

Ngày 10/6/2022, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã có Công điện số 08/CĐ-TCT gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc chỉ đạo toàn ngành Thuế tiếp tục nâng cao hiệu quả xử lý hồ sơ khai thuế từ hoạt động chuyển nhượng BĐS.

Cụ thể, các Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến pháp luật tại bộ phận một cửa liên thông theo nguyên tắc “tiền phòng, hậu kiểm”, mang lại hiệu quả tích cực, tổ chức, cá nhân hiểu và thực hiện đúng khi kê khai nghĩa vụ tài chính liên quan đến chuyển nhượng BĐS. Trường hợp phát hiện rủi ro thì chuyển sang thực hiện thanh tra, kiểm tra sau theo đúng quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Tính riêng 3 tháng đầu năm 2022, số thu từ thuế thu nhập cá nhân của hoạt động chuyển nhượng BĐS đạt 8.209 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ, tương đương mức tăng ròng hơn 3.200 tỷ đồng. Đặc biệt, qua kê khai lại của các tổ chức, cá nhân tại một số địa phương giá trị chuyển nhượng BĐS đã tăng 2 – 5 lần so với ban đầu, số hồ sơ kê khai điều chỉnh giá chuyển nhượng cũng tăng 20 – 40 lần.

Ngay sau khi Tổng cục Thuế phát đi công điện, Cục Thuế các địa phương đã chỉ đạo các phòng, các chi Cục Thuế trực thuộc khẩn trương thực hiện đầy đủ, nghiêm túc nội dung chỉ đạo của Tổng cục Thuế. Lãnh đạo Cục Thuế TP. Hà Nội cho hay, Cục Thuế đã truyền tải tới người dân thông điệp: Người nộp thuế cần nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về thuế và các pháp luật có liên quan khi kê khai giá mua bán chuyển nhượng trên hợp đồng công chứng và khi kê khai nghĩa vụ về thuế, phí phải nộp.

Đồng thời, người dân cần đấu tranh, phát hiện và thông báo đến cơ quan thuế, cơ quan chức năng mọi hành vi khai sai, gian lận và trốn thuế liên quan đến hoạt động mua bán, chuyển nhượng BĐS. Trường hợp nếu còn vướng mắc liên quan đến chính sách thuế, người nộp thuế liên hệ các chi cục thuế nơi có BĐS chuyển nhượng để được hướng dẫn, giải đáp.

“Cục Thuế TP. Hà Nội kiên quyết không để phát sinh thủ tục hành chính trong công tác quản lý hoạt động chuyển nhượng BĐS và luôn sẵn sàng đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất để người nộp thuế thực hiện tốt chính sách pháp luật thuế nói chung và chính sách pháp luật về chuyển nhượng BĐS nói riêng” – lãnh đạo Cục Thuế TP. Hà Nội nhấn mạnh.

Rà soát, kiểm tra chặt chẽ việc kê khai thuế kinh doanh BĐS

Ông Thái Minh Giao – Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong 3 tháng đầu năm, Cục Thuế thực hiện đấu tranh, xử lý 10.876 hồ sơ chuyển nhượng BĐS, thu thêm hơn 180 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.

Ông Thái Minh Giao thông tin thêm, ngoài việc triển khai chống thất thu theo chỉ đạo từ các cơ quan cấp trên, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh còn chủ động xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về giá giao dịch BĐS trên địa bàn dựa trên 4 nguồn. Cụ thể gồm: Giá giao dịch thực tế đáng tin cậy trong thời gian gần nhất, hoặc giá giao dịch của BĐS tương đồng trên ứng dụng quản lý trước bạ – nhà đất; thông tin từ việc phối hợp với chính quyền các quận, huyện, TP. Thủ Đức để có cơ sở tham vấn giá giao dịch phổ biến trên từng tuyến đường; giá phê duyệt của chính quyền thành phố đối với các dự án hoặc giá đền bù thực tế của Nhà nước; giá giao dịch thực tế tại các sàn giao dịch BĐS, giá bán kinh doanh của chủ đầu tư dự án, giá giao dịch BĐS tương tự tại sàn giao dịch nơi có sản phẩm của chủ dự án chuyển nhượng…

“Những nguồn thông tin trên sẽ được cơ quan thuế dùng làm cơ sở để tham vấn, đấu tranh, yêu cầu người nộp thuế kê khai đúng giá trị thực tế. Cán bộ thuế tập trung hướng dẫn người nộp thuế kê khai trung thực giá chuyển nhượng BĐS trên hợp đồng mua bán, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện và xử lý nghiêm đối với các hành vi khai sai, trốn thuế’’ – ông Giao nói.

Ghi nhận công tác chống thất thu thuế hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cho thấy, sau 3 tháng triển khai quyết liệt, kết quả có 2.763 hồ sơ nộp thuế chuyển nhượng BĐS điều chỉnh tăng giá so với giá trên hợp đồng công chứng, cao hơn so với Bảng giá đất năm 2020 – 2024 và hệ điều chỉnh giá đất năm 2022 của UBND tỉnh ban hành. Tổng số thuế thu tăng 111,2 tỷ đồng, bình quân tăng gấp 2,1 lần/hồ sơ so với cùng kỳ.

Ông Ngô Xuân Tòng – Cục trưởng Cục Thuế Bắc Ninh, cho hay ngoài việc gửi thông báo và khuyến nghị tới doanh nghiệp, cá nhân thực hiện kê khai đối với giá chuyển nhượng BĐS, Cục Thuế còn đăng tải công khai địa chỉ, số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận ý kiến phản hồi về thái độ phục vụ của công chức thuế trong việc giải quyết thủ tục hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS của người nộp thuế.

Tại Thái Nguyên, ông Đỗ Trọng Nghĩa – Cục trưởng Cục Thuế Thái Nguyên, cho hay Cục Thuế đã yêu cầu văn phòng, các phòng, các chi Cục Thuế trực thuộc khẩn trương thực hiện đầy đủ, nghiêm túc nội dung chỉ đạo của Tổng cục Thuế tại Công điện số 08/CĐ-TCT và chỉ đạo của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đến toàn thể cán bộ, công chức trong đơn vị; nhất là những bộ phận trực tiếp giải quyết hồ sơ.

Bên cạnh đó, Cục Thuế Thái Nguyên tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thuế để người dân, doanh nghiệp cùng nâng cao ý thức tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế, giúp tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS.

Ông Lê Bá Ngọc – Cục trưởng Cục Thuế Bắc Giang cho biết, từ đầu năm đến nay, cơ quan thuế các cấp trên địa bàn đã xác minh 694 hồ sơ giao dịch BĐS giữa các cá nhân, từ đó tăng thu cho ngân sách gần 5 tỷ đồng.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang và Công điện số 08/CĐ-TCT của Tổng cục Thuế, tới đây Cục Thuế Bắc Giang tổ chức thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đối với doanh nghiệp có hoạt động chuyển nhượng BĐS; đồng thời rà soát, kiểm tra chặt chẽ việc kê khai thuế của các tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS; trên cơ sở đó, xác định các trường hợp có rủi ro cao về thuế để bổ sung vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra.

“Cùng đó, chúng tôi triển khai thanh tra hoạt động kinh doanh của các sàn giao dịch, doanh nghiệp kinh doanh BĐS, nhà đầu tư khu dân cư, khu đô thị, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định để chống thất thu thuế” – ông Lê Bá Ngọc nhấn mạnh