Đánh giá hệ thống báo cáo tài chính theo chế độ kế toán hành chính sự nghiệp đối với các đơn vị sự nghiệp công lập

Đánh giá hệ thống báo cáo tài chính theo chế độ kế toán hành chính sự nghiệp đối với các đơn vị sự nghiệp công lập

{Bài viết đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán (ISSN 1859 – 1914), số 214, Tháng 7/2021 của Hồ Thị Vinh – Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán – Bộ Tài chính}

Ở nước ta, đơn vị sự nghiệp công lập giữ vai trò chủ đạo, vị trí then chốt trong cung ứng dịch vụ sự nghiệp công và thực hiện chính sách an sinh xã hội. Thông tin báo cáo tài chính giúp cho việc đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Các thông tin này luôn được yêu cầu phải minh bạch, hữu ích và giúp xác định được giá trị đơn vị.

In our country, Public non-business units play a leading role, a key position in providing public non-business services and implementing social security policies. The information in financial statemants helps to innovate the organization, improve service quality and operational efficiency of public non-business units. This information is always required to be transparent, useful and to help determine the unit value.
Từ khóa: báo cáo tài chính, đơn vị sự nghiệp công lập.


1. Bối cảnh chung
Hiện nay, các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) đang thực hiện lập báo cáo tài chính (BCTC) theo hướng dẫn của chế độ kế toán hành chính sự nghiệp ban hành theo Thông tư 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 của Bộ Tài chính (sau đây viết tắt là Thông tư 107). Theo đó, BCTC được quy định áp dụng chung cho cả cơ quan Nhà nước và đơn vị SNCL, các mẫu biểu báo cáo bước đầu đã cung cấp thông tin tài chính theo quy định của Luật Kế toán. Tuy nhiên, mô hình hoạt động của đơn vị SNCL và cơ quan hành chính Nhà nước rất khác nhau, cơ quan Nhà nước chủ yếu là đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước (NSNN), còn đơn vị SNCL trong bối cảnh phải ngày càng tự chủ, có nhiều các hoạt động khác nhau như hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ, đi vay, huy động vốn, đầu tư, góp vốn,… đặc biệt, là mô hình đơn vị SNCL tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên. Với đặc điểm hoạt động của các đơn vị SNCL như vậy, đòi hỏi phải có các thông tin tài chính cung cấp thông qua hệ thống BCTC một cách đầy đủ, minh bạch, phân loại rõ tài sản, nợ phải trả ngắn hạn, dài hạn, kết quả của từng hoạt động trong đơn vị, phân phối thặng dư từ các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, đầu tư tài chính,… Các thông tin này cần phản ánh đúng bản chất hoạt động của đơn vị, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, trình bày khoa học và theo thông lệ quốc tế.

Với mục tiêu hoàn thiện BCTC, cần phải làm rõ các kết quả đạt được, hạn chế của hệ thống BCTC theo chế độ kế toán hành chính sự nghiệp (ban hành kèm theo Thông tư 107) đối với đơn vị SNCL, từ đó đưa ra các định hướng để hoàn thiện.

2. Đánh giá thực trạng của hệ thống BCTC đối với đơn vị SNCL
* Kết quả đạt được
Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp ban hành kèm theo Thông tư 107 là một bước chuyển dịch lớn về cách tiếp cận kế toán đối với khu vực công ở Việt Nam, trong đó đã có sự thay đổi căn bản quy định về chứng từ, tài khoản sử dụng, phương pháp kế toán và hệ thống BCTC, báo cáo quyết toán. Đối với hệ thống BCTC, có thể thấy rõ các kết quả nổi bật như sau:

Thứ nhất, đã tách bạch BCTC và báo cáo quyết toán tình hình sử dụng ngân sách ở các đơn vị HCSN
Thông tư số 107 đã có sự phân định thành 2 hệ thống báo cáo kế toán theo mục đích sử dụng thông tin, bao gồm BCTC và báo cáo quyết toán. BCTC phục vụ mục đích chung gồm 4 báo cáo: Báo cáo tình hình tài chính; Báo cáo kết quả hoạt động; Báo cáo lưu chuyển tiền tệ; Thuyết minh BCTC. Báo cáo quyết toán phục vụ yêu cầu quản lý, gồm các báo cáo: Báo cáo quyết toán kinh phí hoạt động; Báo cáo chi tiết chi từ nguồn NSNN và nguồn phí được khấu trừ để lại; Báo cáo chi tiết kinh phí chương trình dự án; Báo cáo thực hiện xử lý kiến nghị của kiểm toán, thanh tra, tài chính và Thuyết minh báo cáo quyết toán.

Theo Thông tư số 107, hệ thống báo kế toán của đơn vị SNCL đã được đổi mới theo hướng phân định rõ báo cáo quyết toán phục vụ cho quyết toán ngân sách và BCTC để cung cấp thông tin về tình hình tài chính, kết quả hoạt động và các luồng tiền từ hoạt động của đơn vị.

Thứ hai, xác định rõ mục đích của BCTC đã được xác định rõ ràng, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo quy định tại Thông tư 107, mục đích của BCTC là dùng để cung cấp thông tin về tình hình tài chính, kết quả hoạt động tài chính và các luồng tiền từ hoạt động của đơn vị, cung cấp cho những người có liên quan để xem xét và đưa ra các quyết định về các hoạt động tài chính, ngân sách của đơn vị. Thông tin BCTC giúp cho việc nâng cao chất lượng giải trình của đơn vị về việc tiếp nhận và sử dụng các nguồn lực theo quy định của pháp luật.

Mục đích của BCTC đã được xác định rõ ràng gồm: sử dụng cho mục đích ra quyết định và cho mục đích giải trình, quy định này đã bước đầu phù hợp với thông lệ quốc tế, đặc biệt trong khu vực công, mục đích cung cấp thông tin cho giải trình trách nhiệm của BCTC được đề cao.

Thứ ba, BCTC đã được lập trên cơ sở dồn tích
Việc áp dụng cơ sở kế toán dồn tích có điều chỉnh như quy định cũ gây trở ngại cho tổ chức hạch toán kế toán, cung cấp thông tin; mặt khác làm khó cho xây dựng chế độ, chính sách và khó cho việc áp dụng công nghệ thông tin trong hạch toán kế toán.

Kế toán trên cơ sở dồn tích theo quy định của Thông tư 107 đã giúp cho các đơn vị SNCL phần nào cải thiện chất lượng thông tin, cung cấp thông tin thích hợp cho việc ra quyết định. Xét ở phạm vi tổng thể khu vực công, kế toán dồn tích mang lại thông tin tổng quát hơn, từ đó tạo cơ sở để tăng cường quản lý tài sản, quản lý công nợ và đánh giá khả năng thanh toán của đơn vị.

Thứ tư, hệ thống BCTC về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu thông tin tài chính của người sử dụng.
Theo quy định tại Thông tư 107, hệ thống BCTC phải được lập đúng nguyên tắc, nội dung, phương pháp theo quy định và được trình bày nhất quán giữa các kỳ kế toán, trường hợp BCTC trình bày khác nhau giữa các kỳ kế toán thì phải thuyết minh rõ lý do. Bên cạnh đó, BCTC phải đáp ứng các yêu cầu như phản ánh một cách trung thực, khách quan về nội dung và giá trị các chỉ tiêu báo cáo; trình bày theo một cấu trúc chặt chẽ, có hệ thống về tình hình tài chính, kết quả hoạt động và các luồng tiền từ hoạt động của đơn vị; BCTC phải được lập kịp thời, đúng thời gian quy định đối với từng loại hình đơn vị, trình bày rõ ràng, dễ hiểu, chính xác thông tin, số liệu kế toán; thông tin, số liệu kế toán phải được phản ánh liên tục, số liệu của kỳ này phải kế tiếp số liệu của kỳ trước.

Việc quy định về BCTC như trên góp phần đảm bảo các thông tin tài chính được cung cấp một cách rõ ràng, minh bạch, hữu ích cho các đối tượng sử dụng trong việc phân tích và đưa ra quyết định. Nội dung các chỉ tiêu được trình bày trên mỗi BCTC cũng đã đáp ứng được cơ bản yêu cầu thông tin của các đối tượng sử dụng, trong điều kiện thực hiện tự chủ tài chính.

Dưới góc độ quản lý, thông tin trong các BCTC giúp lãnh đạo đơn vị nắm được tình hình tài sản, nguồn vốn, tình hình và kết quả hoạt động sau một kỳ hoạt động, tình hình lưu chuyển tiền tệ,,… thay vì chỉ có thông tin chi tiêu ngân sách như trước đây. Đối với các đơn vị SNCL, trên cơ sở các thông tin mà BCTC cung cấp, các nhà lãnh đạo, quản lý có thể đánh giá được tình hình hoạt động, thực trạng tài chính của đơn vị, từ đó có thể đề ra các giải pháp đổi mới phương thức quản lý, nâng cao năng lực quản trị đơn vị, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công, đáp ứng yêu cầu của xã hội.