Dự thảo Luật Quản lý thuế: thêm quyền cho người nộp thuế

Dự thảo Luật Quản lý thuế: thêm quyền cho người nộp thuế

Ngày 13/8, Tổng cục Thuế – Bộ Tài chính phối hợp với Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội tổ chức Hội thảo tham vấn về dự án Luật Quản lý thuế (QLT) sửa đổi, nhằm tiếp tục lấy ý kiến các chuyên gia và cộng đồng DN.

Ảnh: Ông Trần Xuân Hà – Thứ Trưởng Bộ Tài chính và Ông Nguyễn Hữu Quang Phó chủ nhiệm UBTCNS Quốc Hội chủ trì hội thảo

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn dự thảo Luật QLTđã sửa đổi một số nội dung và nguyên tắc quản lý thuế, theo đó áp dụng nguyên tắc bản chất giao dịch quyết định hình thức trong việc xác định nghĩa vụ của người nộp thuế (NNT). Bên cạnh đó, áp dụng giao dịch điện tử và quản lý rủi ro vào quản lý thuế. Luật QLT sửa đổi cũng bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế đó là thông đồng, móc nối, bao che giữa NNT và công chức cơ quan quản lý thuế để trốn thuế; gây phiền hà, sách nhiễu đối với NNT; lợi dụng để sử dụng trái phép tiền thuế; cố tình kê khai không đầy đủ, kịp thời, chính xác về số tiền thuế phải nộp; cản trở hoạt động thanh kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về thuế; sử dụng mã số thuế của người khác để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, hoặc cho người khác sử dụng mã số thuế không đúng theo quy định của pháp luật; bán hàng không xuất hóa đơn; sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.

 

Ngoài 10 quyền của NNT đã được quy định tại Luật Quản lý thuế hiện hành, dự thảo luật bổ sung, hoàn thiện 2 quyền của NNT đó là: NNT được biết thời gian giải quyết hoàn thuế, số thuế không được hoàn, căn cứ pháp lý đối với số thuế không được hoàn và NNT không bị xử lý vi phạm về thuế, không bị tính tiền chậm nộp đối với trường hợp thực hiện theo văn bản của cơ quan quản lý thuế. Về trách nhiệm nộp thuế, dự thảo luật bổ sung quy định nộp thuế TNDN tạm nộp theo quý chậm nhất là 30 ngày của tháng đầu quý sau; bổ sung quy định nộp thuế đối với dầu thô, khí thiên nhiên. Đối với các trường hợp NNT phải nộp tiền chậm nộp do gặp thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, bệnh hiểm nghèo, tai nạn bất ngờ, các trường hợp bất khả kháng khác thì có quyền đề nghị miễn tiền chậm nộp.

Để cải cách việc quyết toán thuế TNCN theo hướng cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ NNT tổng hợp thu nhập trong năm trước khi thực hiện quyết toán thuế, dự thảo đã sửa đổi quy định về thời hạn quyết toán thuế đối với TNCN là 120 ngày kể từ ngày kết thúc năm dương lịch (kéo dài thêm 1 tháng so với thời hạn quyết toán của DN). Dự thảo luật cũng bổ sung quy định miễn thuế đối với các hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp, các cá nhân trực tiếp nộp quyết toán thuế TNCN từ tiền lương tiền công có số thuế nộp hàng năm từ 50.000 đồng trở xuống.

Đặc biệt để tạo điều kiện phát triển dịch vụ thuế, dự thảo luật sửa đổi đã bổ sung phạm vi hoạt động của đại lý thuế bao gồm cung cấp dịch vụ tư vấn thuế và kế toán thuế cho DN nhỏ và siêu nhỏ. Các đại lý thuế muốn hành nghề chỉ cần đăng ký kinh doanh dịch vụ đại lý thuế thay vì làm hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ về thuế như trước đây.

Đánh giá về dự án Luật QLT sửa đổi, các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, về cơ bản, các nội dung đưa ra đã bao quát hết các mối quan hệ cần điều chỉnh trong lĩnh vực quản lý thuế. Nội dung sửa đổi phù hợp với điều kiện thực tiễn quản lý thuế và có tính khả thi cao. Tuy nhiên, vẫn còn một số quy định cần phải làm rõ thêm.

Theo Giám đốc Công ty TNHH thuế và tư vấn KPMG Nguyễn Ngọc Thái, việc áp dụng nguyên tắc bản chất giao dịch quyết định hình thức trong việc xác định nghĩa vụ của NNT là phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng chung của các quốc gia thực hiện chương trình hành động chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS). Tuy nhiên, theo BEPS nguyên tắc này chỉ nên áp dụng giới hạn với phạm vi là các giao dịch giữa các bên liên kết và áp dụng với các hiệp định tránh đánh thuế hai lần. Do đó đề xuất Bộ Tài chính chỉ áp dụng điều này cho 2 loại hình giao dịch trên. Nếu áp dụng rộng rãi cho các vi phạm xử lý về thuế khác sẽ làm gia tăng tranh chấp giữa NNT và cơ quan thuế. Ngoài ra, ban soạn thảo cần quy định rõ thế nào là “văn bản” của cơ quan quản lý thuế. Đó là công văn hướng dẫn trả lời qua thư điện tử, qua website hay biên bản thanh, kiểm tra của cơ quan thuế. Khái niệm “cơ quan thuế” cũng cần làm rõ. Bởi thực tế công tác quản lý thuế không chỉ có Bộ Tài chính-Tổng cục Thuế mà còn có các cơ quan quản lý khác như Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước. KPMG cũng đề xuất tăng thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế TNDN lên 120 ngày kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính nhằm đảm bảo chất lượng tuân thủ và giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính thuế.

Trên phương diện khác, Giám đốc đối ngoại Công ty Heineken Việt Nam Nguyễn Thanh Phúc cho rằng, quy định yêu cầu DN nộp báo cáo tài chính, hồ sơ quyết toán thuế, tờ khai báo cáo lợi nhuận liên quốc gia và tờ khai giao dịch liên kết trong vòng 90 ngày kể từ khi kết thúc năm tài chính hoặc năm dương lịch là chưa thỏa đáng. Thực tế ngoài Hà Lan, các quốc gia khác như Nhật Bản, Austraylia nơi đặt trụ sở công ty mẹ của nhiều DN có giao dịch liên kết đều quy định thời hạn nộp báo cáo lợi nhuận liên quốc gia là 1 năm. Do đó ban soạn thảo cần nghiên cứu tăng thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế TNDN để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ thuế một cách chính xác./.

TCT