Dừng hoàn thuế GTGT xuất khẩu sắn do DN nhập khẩu đã bỏ trốn, mất tích

Dừng hoàn thuế GTGT xuất khẩu sắn do DN nhập khẩu đã bỏ trốn, mất tích

Để đáp ứng yêu cầu cải cách, nhiều thủ tục hành chính thuế đã được tinh giản, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, lợi dụng sự thông thoáng của chính sách, không ít đối tượng đã khai khống, kê khai khống, thậm chí liên kết với các tổ chức, DN ở nước ngoài đã bỏ trốn, mất tích khỏi địa điểm kinh doanh để hợp thức hóa hồ sơ, giấy tờ để được hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) và gây thất thu lớn cho NSNN.

Trong thời gian vừa qua, cơ quan thuế đã đẩy mạnh công tác thanh tra, đặc biệt đã thực hiện nhiều chuyên đề kiểm tra sau hoàn thuế GTGT, qua đó đã phát hiện hàng trăm trường hợp có dấu hiệu vi phạm mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, nhằm chiếm đoạt tiền thuế GTGT.

Tại các tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng đã phát hiện nhiều đường dây liên kết giữa các DN “ma” với nhau để mua bán sử dụng hóa đơn với số lượng và giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Điển hình như Công ty TNHH Junma Phú Thọ mua bán hóa đơn có giá trị lên đến 2.000 tỷ đồng; Ngô Văn Phát – Công ty CP thương mại xăng dầu Phát tại Hải Phòng, cầm đầu đường dây mua bán hóa đơn lên đến 5.000 tỷ đồng; Công ty Cổ phần phát triển nhà Thủ Đức đã lập khống các hợp đồng kinh tế xuất khẩu với số tiền gian lận thuế lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Nhìn lại các hành vi gian lận thuế GTGT có thể thấy, mức độ vi phạm ngày càng gia tăng và tinh vi, phức tạp. Các hành vi như: thành lập DN để bán hoá đơn, sử dụng hoá đơn bất hợp pháp, câu kết với các DN kể cả các DN nước ngoài để kê khai, khấu trừ thuế GTGT, hạch toán chi phí…, diễn ra khá nghiêm trọng với mức độ ngày càng tinh vi dưới nhiều hình thức khác nhau, gây thất thu cho NSNN, tạo sự bất bình đẳng và bức xúc trong cộng đồng DN và toàn xã hội.

Để đấu tranh giảm thiểu các hành vi gian lận thuế, trong thời gian qua, Tổng cục Thuế đã tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra. Qua công tác, quản lý, cơ quan thuế tiếp tục nhận thấy một số hồ sơ hoàn thuế có dấu hiệu rủi ro cao nên đã tiến hành kiểm tra xác minh nguồn gốc của hàng hóa và kiểm tra hồ sơ xuất khẩu để đảm bảo việc giải quyết hồ sơ đề nghị hoàn thuế từ NSNN đúng theo quy định pháp luật.

Theo đó, Bộ Tài chính – Tổng cục Thuế đã gửi thư sang cơ quan thuế nước ngoài đề nghị xác minh thông tin một số đơn vị nhập khẩu mặt hàng nông sản (trong đó có mặt hàng tinh bột sắn). Trên cơ sở Thư trả lời xác minh của Cơ quan Thuế nước ngoài: Đơn vị nhập khẩu không tồn tại; đã bỏ trốn, mất tích; có tồn tại nhưng không thừa nhận có mua hàng.

Nhận thấy đây là những DN có rủi ro cao về thuế không đáp ứng các điều kiện về hoàn thuế theo quy định của Luật thuế GTGT do một bên chủ thể của hợp đồng nhập khẩu không tồn tại đã bỏ trốn mất tích từ lâu, chứng từ thanh toán qua ngân hàng không đúng tên người mua hàng nhập khẩu ghi trong hợp đồng hoặc ủy quyền cho bên thứ ba chuyển khoản thông qua ngân hàng biên giới mà không được quy định trong hợp đồng hoặc các văn bản khác, không đủ điều kiện về thanh toán để được hoàn thuế,…

Trước tình hình đó, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 632/TCT-TTKT ngày 07/03/2022 yêu cầu Cục Thuế kiểm tra, rà soát các DN xuất khẩu mặt hàng tinh bột sắn có quan hệ mua bán với các DN nước ngoài thuộc danh sách kết quả trả lời xác minh của Cơ quan Thuế nước ngoài (người mua hàng không tồn tại, đã bỏ trốn, mất tích hoặc không thừa nhận có mua hàng), đồng thời chỉ đạo các đơn vị trong hệ thống thuế tăng cường công tác quản lý hoàn thuế, phòng chống hành vi gian lận trục lợi trong hoàn thuế, chống thất thoát NSNN, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các DN.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các Cục Thuế kiểm tra, rà soát và đối chiếu các DN trên địa bàn có phát sinh giao dịch mua bán với các DN, tổ chức có tên trong tài liệu xác minh từ cơ quan thuế nước ngoài để xác định rõ số kỳ hoàn, số tiền thuế đã hoàn, số thuế đang đề nghị hoàn. Trường hợp xác định có hành vi vi phạm, không đủ điều kiện về hoàn thuế GTGT thì kịp thời xử lý thu hồi tiền hoàn thuế về NSNN, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì củng cố hồ sơ hành vi vi phạm chuyển cho cơ quan Công an điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục Thuế tập trung rà soát, xác minh các nội dung rủi ro liên quan tới hoạt động xuất khẩu (hồ sơ hải quan, thanh toán qua ngân hàng, xác minh thông tin về các đối tác nhập khẩu ở nước ngoài,…) hoặc qua kiểm tra phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế, hải quan thì Cục Thuế cung cấp thông tin vi phạm của người nộp thuế cho Cơ quan Hải quan kiểm tra và giám sát hải quan theo quy định.

Về kiến nghị của Hiệp hội Sắn Việt Nam, Bộ Tài chính đã tổ chức cuộc họp với Hiệp hội Sắn Việt Nam (thành phần gồm các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan). Tại cuộc họp, Bộ Tài chính đã hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc với Hiệp hội Sắn Việt Nam, theo đó, các DN nếu đáp ứng được đầy đủ các điều kiện, thủ tục về hoàn thuế thì được hoàn thuế từ NSNN theo quy định./.