Giảm thuế giá trị gia tăng, tác động lan tỏa lớn

Giảm thuế giá trị gia tăng, tác động lan tỏa lớn

TS. Nguyễn Văn Hiến, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính Marketing cho rằng, việc giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% sẽ tạo ra tác động lan tỏa lớn hỗ trợ phục hồi khi mang lại lợi ích cho cả người dân, doanh nghiệp (DN) và cả Nhà nước ở góc độ điều hành vĩ mô.

PV: Nghị quyết về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 của Chính phủ vừa thông qua được xem như “liều thuốc bổ” hồi phục nền kinh tế, ông đánh giá thế nào về chương trình này?

TS. Nguyễn Văn Hiến: Chương trình phục hồi kinh tế thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước mặc dù đại dịch khiến nền kinh tế Việt Nam bị tổn thương khá nhiều về mặt kinh tế, xã hội nhưng Chính phủ quyết tâm phục hồi kinh tế sau đại dịch. Có thể thấy cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để hỗ trợ phục hồi kinh tế: Quốc hội ban hành Nghị quyết 43; Chính phủ có Nghị quyết 01 và Nghị định 15. Đây là sự vào cuộc rất cần thiết sau khi Việt Nam về cơ bản đã kiểm soát được tình hình Covid-19.

Chương trình phục hồi kinh tế này là một chương trình hỗ trợ đặc biệt với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với tổng mức hỗ trợ lượng hóa gần 350.000 tỷ đồng, tương đương 4% GDP của năm 2021. Trong đó, chính sách tài khóa đóng vai trò chủ yếu. Cụ thể, theo tính toán, chính sách tài khóa tương đương khoảng 2,8% GDP, còn chính sách tiền tệ hỗ trợ khoảng 0,55% GDP. Ngoài ra, còn có chính sách an sinh xã hội và các chính sách khác hỗ trợ khoảng 0,8% GDP.

“So với trước đây chỉ giảm cho một số nhóm đối tượng thì việc giảm thuế GTGT 2% lần này sẽ có tác động lan tỏa đến toàn xã hội. Do đó, việc giảm thuế này tưởng là bất lợi với Nhà nước nhưng thực tế lợi ích mà nó mang lại là lớn hơn”

TS. Nguyễn Văn Hiến

Đây là một chương trình hay, tác động đến cả mặt cung và cầu, tức là hỗ trợ cả lực kéo và lực đẩy để phát triển kinh tế. Tác động đến cung có nghĩa là tạo điều kiện để DN mở rộng được sản xuất nhiều hơn thông qua các chính sách như giảm thuế GTGT (GTGT), hỗ trợ về tín dụng… Đồng thời, hỗ trợ về phía cầu: việc giảm GTGT làm cho giá cả mặt bằng, giá cả xã hội nói chung giảm đi, tăng cầu. Cùng với đó là những hỗ trợ trực tiếp an sinh xã hội, các chính sách xã hội khác nữa.

Tôi cho rằng đó là một chương trình rất cần thiết và phù hợp. Trong điều kiện chúng ta đang rất cần thúc đẩy kinh tế, thúc đẩy DN mở rộng phát triển sản xuất thì cần có tác động cả cung và cầu mới mang lại hiệu quả cao cho các chính sách hỗ trợ.

PV: Trong chương trình phục hồi này, đáng chú ý là hỗ trợ giảm 2% thuế GTGT với một số mặt hàng. Theo ông, việc hỗ trợ bằng cách giảm thuế trực tiếp này sẽ mang lại những tác động thế nào tới cả người dân, DN và ngân sách nhà nước?

TS. Nguyễn Văn Hiến: Việc giảm 2% thuế GTGT là một chính sách rất hay. Các chính sách hỗ trợ trước đây cũng là giảm thuế nhưng giảm trực tiếp (thuế trực thu), còn GTGT là thuế gián thu nên việc giảm thuế GTGT tác động cả đến tiêu dùng, đến sản xuất kinh doanh của các DN, đến cả cung và cầu của nền kinh tế.

Đối với các DN, được giảm GTGT, DN sẽ giảm được chi phí đầu vào, giúp DN thuận lợi hơn trong giải quyết vấn đề đầu ra, đầu ra sẽ “dễ thở” hơn và có dư địa sản xuất hơn. Nghĩa là trong bài toán kinh tế, DN sẽ dễ tính được đầu ra, điều đó hỗ trợ DN yên tâm mở rộng sản xuất kinh doanh.

Với người dân, việc giảm thuế GTGT (là thuế gián thu) nên tác động gián tiếp đến tiêu dùng, làm cho mặt bằng giá cả tiêu dùng nói chung giảm đi. Khi mặt bằng giá cả tiêu dùng giảm sẽ tiết kiệm chi tiêu cho người dân, khi cùng với lượng hàng hóa như vậy nhưng người tiêu dùng chỉ phải bỏ ra ít tiền hơn để mua. Như vậy, giảm thuế GTGT sẽ hỗ trợ tiêu dùng, tùy mặt hàng được giảm thuế mà có tác động nhiều hay ít nhưng nói chung hỗ trợ này sẽ khuyến khích, thúc đẩy “cầu” của người dân và làm cho cầu hàng hóa tăng lên.

Tuy nhiên, đối với Nhà nước, khi giảm thuế GTGT thì ngân sách cũng sẽ bị giảm thu từ loại thuế này. Nhưng mặt khác, giảm thuế GTGT sẽ tác động lên giá tiêu dùng, giúp mặt bằng giá tiêu dùng giảm. Điều này có tác động tốt trong việc kiềm chế lạm phát, nên đó lại là điều tích cực đối với điều hành kinh tế vĩ mô. Độ lan tỏa của chính sách này rất tốt, vì giảm thuế GTGT sẽ tác động đến hầu hết giá cả các mặt hàng tiêu dùng nói chung