Hiệu quả tích cực từ phát triển dịch vụ thuế điện tử

Hiệu quả tích cực từ phát triển dịch vụ thuế điện tử

Tùy theo đặc điểm tình hình sản xuất kinh doanh, quy mô kinh doanh, điều kiện hoàn cảnh và khả năng của từng người…, mà các tổ chức, cá nhân có nhu cầu về các loại dịch vụ thuế khác nhau. Muốn vậy, trước hết cần làm rõ những vấn đề lý luận căn bản về dịch vụ thuế điện tử…

Đó là nhận định của chuyên gia tham dự hội thảo “Phát triển dịch vụ thuế điện tử và dịch vụ hải quan điện tử ở Việt Nam”, ngày 8/11, do Khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính)tổ chức.

Phát triển dịch vụ thuế điện tử – xu hướng tất yếu

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Lê Xuân Trường – Trưởng Khoa Thuế và Hải quan cho rằng, việc phát triển dịch vụ thuế điện tử là xu hướng tất yếu không chỉ riêng Việt Nam mà các quốc gia khác trong khu vực cũng như trên thế giới cũng đã triển khai thực hiện có hiệu quả từ nhiều năm nay.

Đồng thời, PGS.TS Lê Xuân Trường cũng nhận định, thời gian qua, ngành Thuế đã đẩy mạnh cung cấp dịch vụ thuế điện tử với nhiều hình thức rất đa dạng, phong phú như: kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử…, qua đó mang lại hiệu quả khá tích cực, được cộng đồng doanh nghiệp cũng như các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Tuy nhiên, trước những yêu cầu ngày càng cao đối với quản lý thuế, ngành Thuế cần đẩy mạnh hơn nữa việc cung cấp dịch vụ thuế điện tử để phát huy vai trò của dịch vụ thuế trong quản lý thuế. Muốn thực hiện được mục tiêu trên, PGS.TS Lê Xuân Trường cho rằng, trước hết cần làm rõ những vấn đề lý luận căn bản về dịch vụ thuế điện tử như: phải phân loại được các dịch vụ thuế điện tử; vai trò của dịch vụ thuế điện tử; các nhân tố ảnh hưởng đến dịch vụ thuế điện tử và các chỉ tiêu đánh giá sự phát triển của dịch vụ thuế điện tử…

Đồng thời, phải căn cứ vào chủ thể cung cấp dịch vụ, dịch vụ thuế được phân loại thành dịch vụ công và dịch vụ tư. Dịch vụ thuế công do cơ quan quản lý thuế cung cấp; dịch vụ thuế tư do các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ thuế cung cấp.

Từ cách phân loại này cho thấy, dịch vụ thuế tư có liên quan trực tiếp đến lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp mua dịch vụ và của bản thân doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thuế. Do đó, dịch vụ thuế tư phải được coi là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và cần một khuôn khổ pháp lý phù hợp để quản lý hoạt động kinh doanh này.

Cũng căn cứ vào nội dung dịch vụ, dịch vụ thuế được phân loại thành dịch vụ làm thủ tục thuế (đăng ký thuế thuê, khai thuế thuê…) và dịch vụ tư vấn thuế (dịch vụ giảng dạy, giới thiệu pháp luật thuế, dịch vụ hướng dẫn làm thủ tục thuế, dịch vụ kế toán thuế và xây dựng kế hoạch thuế).

Từ cách phân loại này PGS.TS Lê Xuân Trường cho rằng, tùy theo đặc điểm tình hình sản xuất kinh doanh, quy mô kinh doanh, điều kiện hoàn cảnh và khả năng của từng người…, mà các tổ chức, cá nhân có nhu cầu về các loại dịch vụ thuế khác nhau.

Chẳng hạn như, những cơ sở kinh doanh nhỏ thì thường có nhu cầu về dịch vụ làm thủ tục thuế, còn những doanh nghiệp lớn thì có nhu cầu cao về dịch vụ xây dựng kế hoạch thuế. Dịch vụ tư vấn thuế nói chung là cần thiết đối với mọi loại hình đối tượng nộp thuế.

100% cơ quan thuế các cấp triển khai dịch vụ thuế điện tử

Chia sẻ về kết quả đạt được và định hướng phát triển dịch vụ thuế điện tử tại hội thảo, bà Hoàng Thị Lan Anh – Ban Cải cách và hiện đại hóa (Tổng cục Thuế) cho biết, đến cuối năm 2018, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc. Hiện nay, đã có 99,93% số doanh nghiệp đang hoạt động sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử; số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận trong năm là trên 11,8 triệu hồ sơ.

Cụ thể, việc triển khai nộp thuế điện tử của cơ quan thuế được thông qua kênh chính là kênh ngân hàng thương mại. Theo đó, Tổng cục Thuế đã triển khai chính sách kết nối với các ngân hàng thương mại bắt đầu từ năm 2013. Đến năm 2014, Tổng cục Thuế đã kết nối với 5 ngân hàng thương mại; năm 2015 đã phát triển kết nối với 33 ngân hàng và năm 2016 là 43 ngân hàng thương mại. Năm 2018 đã phát triển kết nối với 50 ngân hàng thương mại.

Bà Hoàng Thị Lan Anh (người đứng) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đức Việt

Đến nay, 63/63 cục thuế đã được triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử và tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ. Số lượng doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử với cơ quan thuế đạt tỷ lệ 98,19% trong năm 2018. Số lượng doanh nghiệp hoàn thành đăng ký dịch vụ với ngân hàng đạt 96,42% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, với số tiền đã nộp ngân sách nhà nước trong năm 2018 đạt trên 656.824 tỷ đồng với hơn 3,1 triệu giao dịch nộp thuế điện tử.

Kết quả đạt được là khá tích cực, xong trong quá trình triển khai dịch vụ thuế điện tử còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc như: Tâm lý lo ngại về sự không thuận tiện, sử dụng mất an toàn thông tin khi sử dụng dịch vụ thuế điện tử, nên nhiều người dân vẫn lựa chọn cách truyền thống, đến trực tiếp cơ quan chức năng để thực hiện thủ tục hành chính.

Trình độ hiểu biết của người nộp thuế là cá nhân kinh doanh hay cá nhân phát sinh thu nhập còn hạn chế, nhiều người chưa từng tiếp xúc công nghệ thông tin, khả năng sử dụng, cập nhập internet còn thấp, do đó có khó khăn trở ngại khi sử dụng dịch vụ thuế điện tử mức độ 4…

Để khắc phục những tồn tại, khó khăn nêu trên, trong thời gian tới, ngành Thuế tăng cường đầu tư công nghệ, xây dựng kho cơ sở dữ liệu được mã hóa dữ liệu, cấp phép truy cập…, nhằm đảm bảo an toàn và bí mật thông tin người dùng cũng như trang thông tin điện tử trong quá trình khai thác, vận hành.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nâng cao ý thức cho cá nhân kinh doanh hay cá nhân phát sinh thu nhập trong việc thực hiện dịch vụ thuế điện tử; xây dựng trung tâm hỗ trợ dịch vụ thuế (Call center) ngoài chức năng giải đáp những vướng mắc về chính sách, có thể hướng dẫn, hỗ trợ cho nhóm đối tượng người nộp thuế này trong việc tiếp cận sử dụng dịch vụ thuế được thuận tiện.

Ngoài ra, cơ quan thuế cũng sẽ thanh tra, kiểm tra thường xuyên, định kỳ quá trình phát triển dịch vụ thuế điện tử để có thể phát hiện những thiếu sót của các quy trình điện tử trong hoạt động của nội bộ cơ quan thuế hoặc những sai phạm trong các giao dịch điện tử; có thể dự đoán được các rủi ro sẽ xảy ra, từ đó tìm các biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa.

Bên cạnh đó, có các kế hoạch hàng năm để khảo sát sự hài lòng của người nộp thuế về sử dụng dịch vụ thuế điện tử để nắm bắt những phản hồi cần thiết cho cải thiện và nâng cấp chất lượng dịch vụ, xây dựng thái độ tích cực của người nộp thuế khi phát triển dịch vụ thuế điện tử./.

Tuấn Việt
Thoibaotaichinh