Hội thảo về Hiệp định thuế đa phương

Hội thảo về Hiệp định thuế đa phương

Ngày 25-26/10/2018 tại Hà Nội, Tổng cục Thuế đã tổ chức Hội thảo về Hiệp định đa phương thực hiện các biện pháp liên quan đến Hiệp định thuế và ngăn ngừa xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (MLI).

Tham dự Hội thảo do Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh chủ trì có đại diện Vụ Quan hệ Quốc tế -Văn phòng Chính phủ, Vụ Pháp luật Quốc tế -Bộ Tư pháp, Vụ Luật pháp Quốc tế -Bộ Ngoại giao; đại diện các Vụ PC, Vụ CST, Viện Chiến lược và CSTC, Vụ HTQT thuộc Bộ Tài chính; đại diện một số Vụ chức năng của Tổng cục Thuế và 05 Cục Thuế địa phương: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bắc Ninh và Đồng Nai.

Dự án Chống xói mòn cơ sở tính thuế và Chuyển lợi nhuận (BEPS) do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) xây dựng và phát triển trên cơ sở đề xuất từ các nước G20. Trong 15 hành động của Dự án BEPS, nội dung Hành động 15 là tiến hành ký kết một Hiệp định thuế đa phương để thực hiện các giải pháp BEPS trong khuôn khổ Hiệp định thuế. Hiệp định thuế đa phương được xây dựng với cách tiếp cận mới và hiệu quả về thuế quốc tế nhằm đáp ứng các yêu cầu quản lý thuế đối với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế toàn cầu, nhằm đạt mục tiêu hỗ trợ các nước đang phát triển ngăn chặn các hành vi, hoạt động tránh thuế của các doanh nghiệp đa quốc gia.

Hiệp định thuế đa phương đưa ra cách tiếp cận mới và hiệu quả đối với quy định về thuế quốc tế, phản ánh sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế toàn cầu và sự cần thiết phải thích ứng nhanh với quá trình phát triển này. Các nội dung trong Hiệp định thuế đa phương được xây dựng dựa trên cơ sở các khuyến nghị của BEPS nhằm ngăn ngừa việc tránh thuế của các công ty đa quốc gia. Nếu áp dụng các quy định này, theo Hiệp định song phương, Việt Nam là nước phát sinh nguồn thu nhập (nước nhận đầu tư) sẽ có cơ sở để từ chối việc áp dụng Hiệp định thuế trong các trường hợp mà mục đích chính nhằm giảm hoặc miễn nghĩa vụ thuế của các đối tượng cư trú nước ngoài (tổ chức, cá nhân nước ngoài), góp phần chống thất thu cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, việc xây dựng và ký kết Hiệp định thuế đa phương sẽ tránh được việc đàm phán song phương, khoảng hơn 2.000 Hiệp định thuế song phương giữa các nước thành viên. Trong khi đó, tính đến ngày 24/10/2018, Việt Nam đã ký kết 80 Hiệp định thuế song phương, trong đó có 54 nước đối tác Hiệp định thuế của Việt Nam đã ký kết Hiệp định thuế đa phương.

Ngoài việc giới thiệu về hệ thống Hiệp định thuế của Việt Nam và xu hướng trên thế giới, Hội thảo dành thời gian để các đại biểu trao đổi, chia sẻ thực tiễn triển khai BEPS và thảo luận về Hiệp định thuế đa phương.

Một số hình ảnh của Hội thảo:

Tin Tin
Tổng cục Thuế