Quản lý chặt dòng tiền để tính thuế đảm bảo công khai minh bạch

Quản lý chặt dòng tiền để tính thuế đảm bảo công khai minh bạch

Đó là yêu cầu của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tại buổi làm việc với Tổng cục Thuế ngày 6/4 để đánh giá tình hình thực hiện thu NSNN theo Nghị quyết số 25/QH14 của Quốc hội về kế hoạch tài chính ngân sách 5 năm 2016-2020.

Báo cáo với đoàn công tác, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam cho biết, tổng thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý trong 2 năm 2016-2017 đạt 1,918 triệu tỷ đồng, vượt 7,9% dự toán; tăng bình quân 11,8%/năm. Năm 2017, có 62 địa phương đạt quy mô thu ngân sách trên 1.000 tỷ đồng (tăng thêm 3 địa phương so với năm 2015), trong đó 38 địa phương có số thu trên 5.000 tỷ đồng. Hiện nay, có 16 địa phương có số thu điều tiết về ngân sách trung ương.

Năm 2018, ngành thuế được giao dự toán thu 1.070.200 tỷ đồng, tăng 5% so với thực hiện năm 2017; trong đó thu dầu thô 35.900 tỷ đồng, thu nội địa 1.034.300 tỷ đồng. Với quyết tâm của toàn ngành, hết quý I, tổng thu do cơ quan thuế quản lý ước đạt 265.438 tỷ đồng, bằng 24,8% dự toán, tăng 7,1% so với cùng kỳ. Trong đó, số thu ngân sách trung ương luỹ kế 3 tháng ước đạt 116.500 tỷ đồng, bằng 22,9% dự toán, tăng 8,9% so với cùng kỳ; thu ngân sách địa phương ước đạt 147.100 tỷ đồng, bằng 26% dự toán, tăng 3,7%. Như vậy, kết quả thu ngân sách quý I đang bám sát tiến độ thực hiện dự toán và phù hợp với diễn biến tăng trưởng kinh tế.

Về xây dựng thể chế và tổ chức thực hiện, trong 2 năm 2016-2017, Tổng cục Thuế đã trình Chính phủ ban hành 1 nghị định; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 quyết định; trình Bộ Tài chính ban hành 26 thông tư và 2 thông tư liên tịch. Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng đã trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 3.600 công văn, trong đó có 676 công văn của Bộ Tài chính hướng dẫn về chính sách, thủ tục thuế.

Để hoàn thành nhiệm vụ thu cả giai đoạn 2016-2020, Tổng cục trưởng Bùi Văn Nam kiến nghị với Quốc hội, Uỷ ban thường vụ QH xem xét điều chỉnh các chính sách thu theo hướng bao quát toàn bộ và mở rộng cơ sở thu. Trước mắt, kiến nghị Quốc hội thông qua Luật Quản lý thuế sửa đổi, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật thuế; xem xét, ban hành Nghị quyết tăng thuế bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, để kịp thời xử lý số nợ đọng đã tồn tại từ lâu, qua nhiều năm đến nay không còn đối tượng để thu hồi, Tổng cục Thuế kiến nghị từ 1/1/2018 không tính tiền chậm nộp thuế đối với NNT được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; NNT đã phá sản, giải thể, bỏ khỏi địa chỉ kinh doanh, không còn SXKD. Xóa nợ tiền chậm nộp, hoặc tiền phạt chậm nộp của các khoản nợ thuế phát sinh trước ngày 1/1/2018 của NNT cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng NSNN, hoặc có nguồn gốc từ NSNN, nhưng chưa được thanh toán đúng hạn; NNT gặp thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ, bị bệnh hiểm nghèo hoặc trường hợp bất khả kháng khác…

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá trong 2 năm, mặc dù phải đối mặt với những khó khăn tác động không thuận nhưng ngân sách vẫn vượt dự toán. Riêng năm 2017, số thu nội địa đã vượt 1 triệu tỷ đồng, vượt 5,5% dự toán, tương đương trên 53.000 tỷ đồng. Sau 10 năm số thu so ngành thuế quản lý đã tăng gấp 3 lần và tăng trưởng nhanh hơn tốc độ tăng GDP. Đáng kể là, cùng với tăng thu đã giảm gánh nặng thuế (thuế TNDN đã giảm từ 32% giảm xuống 28%; 22% rồi 20%, thuế GTGT và TTĐB cơ bản ổn định. Giá thành hành thu giảm nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách hành chính.

Để đạt mục tiêu tỷ lệ thu nội địa bằng 85% tổng thu ngân sách và tỷ lệ huy động thuế phí đạt 21% GDP, ngành thuế cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát, đặc biệt ở khu vực kinh tế tư nhân. Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cần đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào quản lý, nhất là công tác phân tích rủi ro, đồng thời giảm thiểu tình trạng các tổ chức, cá nhân để nợ đọng thuế. Ngành thuế cần chủ động báo cáo với Bộ Tài chính, Chính phủ phương án sửa đổi chính sách để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho SXKD, song vẫn đảm bảo nguyên tắc không giảm thuế suất, đảm bảo tỷ trọng hợp lý giữa thuế trực thu và thuế gián thu. Để mở rộng cơ sở tính thuế trong thời gian tới, ngành thuế cần nghiên cứu, sớm đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền ban hành Luật Thuế tài sản, đồng thời có giải pháp quản lý chặt dòng tiền của các cá nhân để tính thuế thu nhập, đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Trung Kiên
Nguồn tapchithueonline