14 Th11 Sự phát triển của Logistics thông minh và định hướng nghiên cứu trong thời gian tới
Toàn cầu hóa và sự quá trình chuyển đổi số trên các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và đời sống đã mang lại những thách thức và cơ hội cho ngành Logistics. Vì vậy, logistics thông minh là giải pháp tối ưu để xử lý sự phức tạp và khối lượng các hoạt động ngày càng tăng lên. Các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), công nghệ thông tin truyền thông (ICT) và trí tuệ nhân tạo (AI) cho phép các hoạt động logistics được xử lý hiệu quả và tiết kiệm tối đa các nguồn lực. Trong bài viết này, nghiên cứu quản lý hoạt động logistics thông minh chủ yếu đề cập đến việc áp dụng các công nghệ cơ bản, hệ thống quản lý liên quan và các vấn đề tối ưu trong các hệ thống quản lý. Các lý thuyết được nghiên cứu dựa trên một số công trình khoa học đã được công bố và nhu cầu thực tiễn, từ đó đề xuất một số hướng nghiên cứu trong lĩnh vực logistics thông minh trong tương lai.
1. Đặt vấn đề
Logistics ngày càng trở nên quan trọng trong chuỗi cung ứng do sự tăng trưởng kính tế nhanh chóng. Năm 2019, tổng giá trị logistics toàn cầu đạt 6,6 nghìn tỷ USD với tốc độ tăng trưởng 9,1%. Trong đó, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương chiếm thị phần logistics lớn nhất, chủ yếu đến từ nhu cầu ngày càng tăng ở Trung Quốc. Bên cạnh sự bùng nổ của khu vực bán lẻ, sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử cũng đã mang đến những cơ hội và thách thức cho ngành Logistics toàn cầu. Mặc dù có sự tăng trưởng nóng không ngừng, nhưng trong một báo cáo khác lại cho thấy có khoảng 12,6% nguồn lực logistics chưa được sử dụng, 15% kho hàng không sử dụng và 20% lao động trong ngành Logistics không có việc làm.
Tương tự như vậy với các quốc gia phát triển khác trên thế giới, logistics thông minh ra đời sẽ tạo điều kiện để phát huy tối đa các nguồn lực và nâng cao tính hiệu quả của dịch vụ. Các thiết bị nhận dạng tần số vô tuyến (RFID), phân tích dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), phối hợp với máy bay không người lái, robot tự động hóa, truy xuất nguồn gốc, tự ra quyết định thông minh trong các khâu thuộc quy trình logistics đã đem lại những hiệu quả tích cực (Barreto và cộng sự, 2017).
Hiện nay, logistics thông minh đã được nhiều quốc gia hỗ trợ bằng hành lang pháp lý và các chính sách khác nhau. Các quốc gia đang nỗ lực nhằm thúc đẩy sự phát triển của logistics thông minh, đáp ứng nhu cầu thương mại và sự phát triển công nghiệp toàn cầu. Tuy nhiên, đánh giá chung cho thấy lĩnh vực logistics thông minh vẫn còn phát triển khá sơ khai. Các công nghệ chưa hoàn thiện, chi phí triển khai còn cao, thiếu tính đồng bộ và chưa tuân thủ theo quy chuẩn tại nhiều khu vực là những rào cản khiến logistics thông minh chưa được phát triển mạnh mẽ (Sarkar và cộng sự, 2019; Ma và cộng sự, 2020).
2. Sự phát triển của logistics thông minh
2.1. Khái niệm logistics thông minh
Logistics thông minh hay còn được gọi là “logistics 4.0” xuất phát từ khái niệm “hệ thống logistics thông minh” do IBM đề xuất. Đến nay, chưa có khái niệm thống nhất, nhưng logistics thông minh được cho là các giải pháp ứng dụng công nghệ hiện đại như Internet of Things (IoT), dữ liệu lớn để phân tích (big data), trí tuệ nhân tạo (AI) để lập kế hoạch, quản lý, kiểm soát các hoạt động logistics nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động (Zhang, 2015; Barreto và cộng sự, 2017; He, 2017). Hiện nay, các tiêu chí logistics thông minh được tóm gọn thành “ISTICS”, cụ thể:
– I (Intelligence – Trí tuệ): Các công nghệ thông minh (IoT, Big data, AI,…)
– F (Flexibility – Tính linh hoạt): Dự báo các nhu cầu chính xác, tối ưu hóa hàng tồn kho và định tuyến vận tải hiệu quả hơn theo đúng nhu cầu của khách hàng.
– I (Integration of logistics – Tích hợp logistics): Việc chia sẻ các thông tin giữa các khâu trong quá trình logistics được quản lý, tập trung nhằm tăng cường khả năng phối hợp, hiệu quả.
– S (Self-organization – Tự tổ chức): Giám sát thời gian thực và ra các quyết định thông minh cho phép hệ thống logistics hoạt động mà không cần sự can thiệp của con người.
2.2. Các giai đoạn phát triển của logistics thông minh
Logistics thông minh là một phương thức mới thể hiện việc giám sát thời gian thực, điều khiển đa hướng, tối ưu hóa thông minh và tự động hóa thực hiện toàn bộ quy trình hoạt động logistics với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin nhằm đạt hiệu quả tối ưu trong chuỗi hoạt động logistics. Sự phát triển của logistics thông minh được chia thành 4 giai đoạn:
– Giai đoạn đầu tiên: hoạt động logistics thông minh chủ yếu tập trung vào sự tiến bộ của từng chức năng trong lĩnh vực logistics như định tuyến vận chuyển tối ưu hóa, bố trí vị trí kho hàng, lập kế hoạch và dự báo dữ liệu theo thời gian thực.
– Giai đoạn thứ hai: hoạt động logistics chú trọng đến sự phát triển thông minh của toàn bộ quá trình logistics. Ở giai đoạn này, sự phân bổ nguồn lực giữa các chức năng, giám sát theo thời gian thực đối với từng quy trình hậu cần, quản lý linh hoạt sáng tạo kết hợp với hệ thống công nghệ thông tin thông minh được chú trọng nhằm nâng cao hiệu quả và tiết kiệm chi phí thực hiện.
– Giai đoạn thứ ba: các công nghệ thông minh được áp dụng với mục tiêu đạt được sự tối ưu hóa toàn diện của quy trình logistics nhằm tăng tính hiệu quả trong công tác phối hợp của các bên tham gia chuỗi cung ứng. Các quy trình mới, hệ thống quản lý và nền tảng logistics được linh hoạt điều chỉnh phù hợp với các công nghệ tiên tiến, các phương thức kinh doanh hiện đại.
– Giai đoạn thứ tư: tích hợp các khâu trong một chuỗi cung ứng chéo với các công nghệ thông minh và các phương thức sáng tạo. Trong giai đoạn này, việc tối ưu hóa phân bổ nguồn lực giữa các chuỗi cung ứng đồng nhất và không đồng nhất trở thành nhiệm vụ chính của quản lý logistics.
3. Nghiên cứu quản lý hoạt động của logistics thông minh
Sự phát triển và ứng dụng của công nghệ AI, IoT và ICT mang lại cho ngành Logistics các đặc tính và chức năng mới, chẳng hạn như theo dõi thời gian thực, tối ưu hóa thông minh và các hoạt động tự động. Tất cả những tính năng mới này về cơ bản đã thay đổi các phương thức hoạt động logistics và khuôn khổ quản lý hỗ trợ quản lý hoạt động logistics trong hiện tại và tương lai.
3.1. Nghiên cứu về tác động của các công nghệ 4.0 đối với lĩnh vực logistics thông minh
Việc thực hiện giám sát và kiểm soát thông minh các khâu trong hoạt động logistics là nền tảng của tự động hóa và tối ưu hóa hiệu quả các dịch vụ logistics. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi áp dụng các công nghệ 4.0. Do đó, thiết kế khung kiến trúc của hệ thống vật lý mạng (cyber-physical system – CPS), biến các vấn đề logistics thực tế thành một hệ thống ảo kỹ thuật số là một nhiệm vụ trọng tâm khác của logistics thông minh (Trab và cộng sự, 2017).
Tuy nhiên, logistics thông minh cần đi kèm với vấn đề bảo mật hệ thống. Về phần cứng, thiết bị IoT, hack và bảo mật cổng hệ thống cần nghiên cứu khi thiết kế hệ thống, trong khi bảo mật thông tin chủ yếu đề cập đến bảo mật của việc lưu trữ, truyền và truy cập dữ liệu (Kim và cộng sự, 2018; Fu và Zhu, 2019). Nghiên cứu cho thấy, việc thiết kế cơ chế xác thực giữa các thiết bị giao diện khác nhau và chia sẻ dữ liệu trở thành một chủ đề nghiên cứu mới nổi đối với quản lý hoạt động logistics.
3.2. Nghiên cứu tối ưu hóa trong logistics thông minh
Hướng nghiên cứu này được bắt nguồn từ dữ liệu thời gian thực khổng lồ và các tương tác phức tạp giữa các đơn vị logistics khác nhau. Để tận dụng sự hỗ trợ của dữ liệu và phù hợp với các cơ chế logistics mới, các nhà nghiên cứu quan tâm đến các vấn đề tối ưu hóa logistics truyền thống theo các kịch bản mới của logistics thông minh