Sửa đổi toàn diện quy định về quản lý thuế đối với giao dịch liên kết

Sửa đổi toàn diện quy định về quản lý thuế đối với giao dịch liên kết

Tại dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 20/2017/NĐ-CP (NĐ 20) về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, ngoài việc điều chỉnh nâng trần chi phí lãi vay từ 20 lên 30%, các quy định khác về nguyên tắc quản lý, hồ sơ, cơ sở dữ liệu thương mại… cũng được sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện khung khổ pháp luật về chống chuyển giá.

Qua hơn 3 năm thực hiện, NĐ 20 về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết đã mang lại những kết quả nhất định trong công tác đấu tranh chống chuyển giá. Tuy nhiên, thực tiễn quá trình triển khai cũng cho thấy có một số quy định tại NĐ 20 cần được bổ sung, sửa đổi để phù hợp với công tác quản lý và hoạt động của người nộp thuế. Cụ thể, về nguyên tắc quản lý áp dụng đối với DN có quan hệ liên kết, dự thảo đã bổ sung các quy định để làm rõ nội hàm của nguyên tắc quản lý phù hợp thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam cũng như các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Liên quan đến quy định đối với hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết, hiện tại, việc nộp báo cáo lợi nhuận liên quốc gia đã được các nước thành viên BEPS thống nhất áp dụng, hướng tới cơ chế trao đổi thông tin tự động, do đó, dự thảo đã sửa đổi, bổ sung quy định về kê khai báo cáo lợi nhuận liên quốc gia phù hợp cam kết quốc tế tại các diễn đàn BEPS mà Việt Nam là thành viên. Cạnh đó, đối với quy định về cơ sở dữ liệu thương mại sử dụng trong kê khai, quản lý xác định giá giao dịch liên kết, dự thảo đã bổ sung một số quy định trên cơ sở kế thừa kinh nghiệm và kết quả quản lý chuyển giá của các quốc gia tiên tiến trên thế giới, kết hợp với tổng kết thực tiễn áp dụng quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết tại Việt Nam.

Đáng chú ý, ngoài những vấn đề được sửa đổi, bổ sung nêu trên, Bộ Tài chính cho biết, trong NĐ 20 có quy định về khống chế chi phí lãi vay lần đầu áp dụng, nên không tránh khỏi những bất cập trong quá trình triển khai. Khó khăn chính là do DN Việt Nam có vốn mỏng, chủ yếu là vốn vay, vốn chủ sở hữu thấp. Cùng với đó, do khoảng cách về trình độ phát triển, nên cần một giai đoạn chuyển đổi để các DN trong nước tranh thủ nguồn vốn để đầu tư và chuyển đổi dần cơ cấu huy động vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo đó, dự thảo đã điều chỉnh nâng mức khống chế lãi vay thuần từ 20% lên 30%, thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 5 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ và mở rộng đối tượng miễn áp dụng quy định khống chế. Một vấn đề khác là, trên thực tế, nhiều tập đoàn đa quốc gia thực hiện các giao dịch, ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ trong nội bộ, nhưng về bản chất lại không cung cấp dịch vụ này. Do đó, để đảm bảo xác định đúng nghĩa vụ thuế TNDN, tránh thất thu NSNN, dự thảo đưa ra quy định về điều kiện để các khoản chi phí dịch vụ thanh toán cho bên liên kết được trừ vào chi phí tính thuế trong kỳ và các khoản không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

Về xác định các bên có quan hệ liên kết, kế thừa khái niệm đã được nêu trong NĐ 20 và các hiệp định, quy định pháp luật về thuế, dự thảo quy định cụ thể 10 trường hợp được xác định là các bên liên kết. Trong đó, 4 trường hợp liên kết về vốn; 5 trường hợp liên kết thông qua sự điều hành, kiểm soát; 1 trường hợp liên kết khác, nhằm làm rõ khái niệm, tạo thuận lợi cho công tác quản lý của cơ quan thuế và thực tiễn hoạt động của người nộp thuế.

Dự thảo cũng xây dựng các nhóm phương pháp xác định giá giao dịch liên kết mà thông lệ quốc tế và hướng dẫn chung của OECD về giá chuyển nhượng đối với các DN đa quốc gia áp dụng. Theo đó, các phương pháp xác định giá giao dịch liên kết này đã được các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới và các DN có quan hệ liên kết tại Việt Nam thực hiện kê khai với cơ quan thuế. Các phương pháp này cũng đảm bảo hài hòa về công tác kê khai cho người nộp thuế và các bên liên kết, do cùng áp dụng cho giao dịch liên kết của người nộp thuế tại Việt Nam và bên liên kết tại nước sở tại.

Liên quan đến trách nhiệm và quyền hạn, dự thảo quy định nghĩa vụ trong kê khai giao dịch liên kết và nghĩa vụ chứng minh giá giao dịch liên kết theo nguyên tắc giao dịch độc lập thuộc về người nộp thuế; quy định quyền và trách nhiệm của cơ quan thuế trong quản lý giá chuyển nhượng của các giao dịch liên kết theo cơ chế rủi ro. Tuy nhiên, trong trường hợp người nộp thuế không tuân thủ việc kê khai thuế đối với giao dịch liên kết theo quy định, cơ quan thuế sẽ thực hiện quyền ấn định thuế. Ngoài ra, dự thảo kế thừa các quy định tại NĐ 20 về trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, TP nhằm tiếp tục tăng cường phối hợp trong công tác quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết