Tác động của tự chủ tài chính đến mức độ thực hiện kiểm soát nội bộ trong các đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh Bình Dương

Tác động của tự chủ tài chính đến mức độ thực hiện kiểm soát nội bộ trong các đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh Bình Dương

{Bài viết đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán (ISSN 1859 – 1914), số 208 + 209, Tháng 1+2/2021 của TS. Phạm Quốc Thuần – Trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM và Nguyễn Thị Kim Thanh – HVCH Trường Đại học Thủ Dầu Một}.

Nghiên cứu này hướng đến việc đo lường mức độ thực hiện của kiểm soát nội bộ (KSNB) trong điều kiện hướng đến tự chủ tài chính (TCTC) và xem xét tác động của TCTC đối với mức độ thực hiện KSNB, trong các đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh Bình Dương. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về mức độ thực hiện KSNB của các đơn vị sự nghiệp công lập đã TCTC so với các đơn vị chưa TCTC.
Từ khóa: Kiểm soát nội bộ, TCTC, đơn vị sự nghiệp công lập.
Abstract:
This research aims to assess the internal control application in terms of financial autonomy and to examine the impact of financial autonomy on the internal control application at public sector entities in Binh Duong Province. The findings show that there is a statistically significant difference among the internal control application between the financial autonomy public sector entities and the public sector entities that have not realized the financial autonomy.
Keywords: Internal control, financial autonomy, public sector entities.


1. Giới thiệu
Lakis and Giriunas (2012) cho rằng, một trong những giải pháp thiết yếu cho việc kiểm soát hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp chính là việc tạo ra một hệ thống KSNB hữu hiệu – một hệ thống được thiết lập trong những điều kiện kinh tế hiện tại nhằm cung cấp các điều kiện cho việc đạt được các lợi thế cạnh tranh so với các doanh nghiệp khác. Như vậy, có thể thấy rằng, KSNB đóng một vai trò thiết yếu giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh và gia tăng hiệu quả hoạt động của các tổ chức, đơn vị.

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương (SVHTT&DL BD) là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban Nhân dân tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước về văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo ở địa phương theo quy định của pháp luật; các dịch vụ công thuộc lĩnh vực quản lý của Sở và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo phân công hoặc ủy quyền của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh. Thực hiện theo quy định của Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, UBND tỉnh Bình Dương cũng đã giao nhiệm vụ cho SVHTT&DL Bình Dương lập đề án và kế hoạch thực hiện TCTC cho các đơn vị sự nghiệp trực thuộc sự quản lý của Sở. Thực trạng hiện nay cho thấy, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc SVHTT&DL Bình Dương đang gặp phải những vấn đề khó khăn về quản lý ngân sách, tài sản tại đơn vị như sổ kế toán chưa đầy đủ; Việc sử dụng tài sản công và các quy trình, quy định về đầu tư xây dựng chưa đúng quy định; Đa phần các đơn vị chưa phân tích những cơ hội và khó khăn khi thực hiện TCTC, dẫn đến việc giảm các nguồn thu ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người lao động và hiệu quả hoạt động của đơn vị.

Tất cả các thực trạng trên cho thấy, việc thực hiện KSNB tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc SVHTT&DL Bình Dương còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được vai trò ngăn ngừa sai phạm trong quy trình xử lý nghiệp vụ.

Xuất phát từ vai trò của KSNB, đặc biệt là đối với các đơn vị thực hiện cơ chế TCTC; thực trạng về vấn đề liên quan đến hạn chế của KSNB trong điều kiện TCTC tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc SVHTT&DL Bình Dương, việc phân tích, so sánh mức độ thực hiện KSNB giữa các đơn vị đã và đang hướng đến TCTC sẽ góp phần nhìn nhận vai trò của KSNB và đề xuất các giải pháp, giúp gia tăng mức độ thực hiện KSNB trong các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay.

Nghiên cứu này hướng đến mục tiêu là đo lường mức độ thực hiện KSNB và xem xét tác động của TCTC đến mức độ thực hiện KSNB. Đối tượng nghiên cứu là mức độ thực hiện KSNB, trong điều kiện hướng đến TCTC. Số lượng mẫu nghiên cứu là 58. Dữ liệu khảo sát được thực hiện từ tháng 8 đến tháng 10/2020. Khách thể nghiên cứu là các đơn vị sự nghiệp công lập đã và đang hướng đến TCTC trực thuộc SVHTT&DL Bình Dương.

2. Cơ sở lý thuyết
2.1. Khái niệm KSNB và các thành phần cấu thành KSNB
Theo Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI), KSNB là một quá trình tích hợp được thực hiện bởi ban giám đốc và nhân sự của đơn vị, được thiết kế để giải quyết rủi ro và cung cấp sự đảm bảo hợp lý rằng khi theo đuổi sứ mệnh của đơn vị, các mục tiêu chung sau đây sẽ đạt được (Vanstapel, 2004):
Thực hiện các hoạt động có trật tự, đạo đức, tiết kiệm và hiệu quả;
Hoàn thành nghĩa vụ giải trình;
Tuân thủ luật và quy định hiện hành;
Bảo vệ các nguồn tài nguyên chống lại mất mát, lạm dụng và hư hỏng.
Theo INTOSAI, KSNB bao gồm năm thành phần, cụ thể:
Môi trường kiểm soát: Hình thành phong thái riêng của một tổ chức, ảnh hưởng đến ý thức kiểm soát của nhân viên. Nó là nền tảng cho tất cả các thành phần của KSNB, cung cấp kỷ luật và cấu trúc. Các yếu tố của môi trường kiểm soát là:
– Các giá trị đạo đức, giá trị cá nhân và giá trị nghề nghiệp của ban quản lý và nhân viên, bao gồm cả thái độ ủng hộ mọi lúc đối với KSNB trong toàn bộ tổ chức;
– Cam kết về năng lực;
– Phong thái (triết lý và phong cách điều hành của nhà quản lý và điều hành);
– Cơ cấu tổ chức;
– Các chính sách và thông lệ về nguồn nhân lực.
Đánh giá rủi ro: Là quá trình xác định và phân tích các rủi ro đối với việc đạt được các mục tiêu của đơn vị và xác định cách thức ứng xử đối với các rủi ro này. Đánh giá rủi ro bao gồm:
– Xác định rủi ro: liên quan đến các mục tiêu của đơn vị; tính toàn diện; bao gồm rủi ro do các yếu tố bên ngoài và bên trong hoặc cả bên ngoài và bên trong đơn vị và cấp độ hoạt động;
– Đánh giá rủi ro: ước tính mức ý nghĩa của rủi ro; đánh giá khả năng xảy ra rủi ro;
– Đánh giá mức độ chấp nhận rủi ro của tổ chức;
– Cách thức ứng xử với các rủi ro: bốn cách thức ứng xử đối với rủi ro phải được xem xét: chuyển hóa rủi ro, bỏ qua rủi ro, xử lý rủi ro hoặc chấm dứt rủi ro. Trong số này, việc xử lý rủi ro là phù hợp nhất với các hướng dẫn này vì KSNB hiệu quả là cơ chế chính để xử lý rủi ro; các biện pháp kiểm soát thích hợp có thể là phát hiện hoặc phòng ngừa.
Vì các điều kiện liên quan đến chính trị, kinh tế, lĩnh vực kinh doanh, quy định pháp lý và hoạt động luôn thay đổi, nên việc đánh giá rủi ro phải là một quá trình lặp đi lặp lại liên tục. Nó bao hàm việc xác định và phân tích các điều kiện, cơ hội và rủi ro đã thay đổi (chu trình đánh giá rủi ro) và cải tiến từ phía KSNB để giải quyết sự thay đổi của rủi ro.
Hoạt động kiểm soát: Là các chính sách và thủ tục được thiết lập để giải quyết rủi ro và đạt được các mục tiêu của đơn vị. Để có hiệu quả, các hoạt động kiểm soát phải phù hợp, hoạt động nhất quán theo kế hoạch trong suốt thời kỳ và tiết kiệm chi phí, toàn diện, hợp lý và liên quan trực tiếp đến các mục tiêu kiểm soát. Các hoạt động kiểm soát xảy ra trong toàn bộ tổ chức, ở mọi cấp độ và ở mọi chức năng. Chúng bao gồm một loạt các hoạt động kiểm soát phòng ngừa và phát hiện rủi ro đa dạng, chẳng hạn như: Thủ tục ủy quyền và phê duyệt; Tách biệt các nhiệm vụ (ủy quyền, xử lý, ghi chép, xem xét); Kiểm soát quyền truy cập vào các nguồn tài nguyên và hồ sơ; Xác minh; Giải trình; Đánh giá kết quả hoạt động; Các đánh giá về nghiệp vụ, quá trình và hoạt động; Giám sát (phân công, xem xét và phê duyệt, hướng dẫn và đào tạo).
Thông tin và truyền thông: Thông tin và truyền thông là điều kiện thiết yếu để hiện thực hóa tất cả các mục tiêu của KSNB. Điều kiện tiên quyết để có thông tin đáng tin cậy và thích hợp là việc ghi chép nhanh chóng và phân loại đúng các giao dịch và sự kiện. Thông tin thích hợp cần được xác định, nắm bắt và truyền đạt theo một hình thức và thời gian phù hợp, nhằm tạo điều kiện giúp nhân viên thực hiện KSNB và các trách nhiệm khác của họ (thông tin kịp thời đến đúng người).
Giám sát: Hệ thống KSNB cần được giám sát, để đánh giá chất lượng hoạt động của hệ thống theo thời gian. Việc giám sát được thực hiện thông qua các hoạt động thường ngày, đánh giá riêng biệt hoặc kết hợp cả hai.