Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn làm việc với Cục Thuế Hà Nội về công tác thu ngân sách

Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn làm việc với Cục Thuế Hà Nội về công tác thu ngân sách

Ngày 10/10, Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn đã dẫn đầu đoàn công tác của Tổng cục Thuế làm việc với Cục Thuế Hà Nội về công tác thu ngân sách trong giai đoạn nước rút 3 tháng cuối năm.

Thu ngân sách tăng 15,8% so với cùng kỳ

Báo cáo với đoàn công tác, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn cho biết: trong 9 tháng đầu năm, Hà Nội đã thu được 172.732 tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ. Về cơ bản, các chỉ tiêu thu ngân sách đảm bảo tiến độ và tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2018, trong đó thu từ hoạt động SXKD tăng trưởng khá và bền vững. Lũy kế 9 tháng thực hiện đạt 92.431 tỷ đồng, đạt 66,8% dự toán, tăng 19% so cùng kỳ so với cùng kỳ. Trong đó thu từ DNNN trung ương 9 tháng tăng 23,4% so với cùng kỳ, thu từ DNNN địa phương tăng 13,9%, thu từ khu vực ngoài quốc doanh tăng 25%. Các khoản thuế phí khác có mức tăng khá, lũy kế 9 tháng thực hiện 60.467 tỷ đồng, đạt 82,3% dự toán, tăng 42,8% so cùng kỳ năm 2018 so với cùng kỳ.

Theo đánh giá của Cục Thuế Hà Nội, có được kết quả trên là do ngay từ đầu năm, Cục Thuế đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN dưới nhiều hình thức. Trong công tác kê khai và kế toán thuế, Cục Thuế luôn quan tâm chuẩn hóa dữ liệu thông tin về người nộp thuế; thường xuyên rà soát, theo dõi biến động của người nộp thuế. Cơ quan thuế các cấp cũng liên đôn đốc, kiểm soát việc kê khai của các tổ chức, cá nhân, qua đó phát hiện các trường hợp kê khai không đúng, không đủ để có các biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời. Nhờ đó, tỷ lệ hồ sơ khai thuế luôn đạt trên 95%, trong đó số hồ sơ đúng hạn đạt xấp xỉ 97% số đã kê khai.

Về công tác chống thất thu ngân sách, trong 9 tháng đầu năm toàn ngành đã hoàn thành trên 12.000 cuộc thanh, kiểm tra, đạt 73% kế hoạch, qua đó cơ quan thuế đã truy thu, truy hoàn và phạt là 2.143 tỷ đồng. Riêng với công tác quản lý nợ thuế, do được xác định là nhiệm vụ trọng tâm và là thách thức lớn, nên ngay từ đầu năm, Cục Thuế đã có văn bản thông báo nhiệm vụ, giao chỉ tiêu thu nợ chi tiết tới từng phòng, chi cục thuế. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị thường xuyên rà soát nắm bắt tình hình tài chính, dòng tiền của các DN nợ thuế, nhất là những khoản nợ dưới 90 ngày để có biện pháp đôn đốc thu kịp thời. Đối với các DN cố tình trây ỳ không nộp thuế, Cục Thuế kiến quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ đọng thuế. Nhờ đó, cơ quan thuế đã thu hồi được 6.900 tỷ đồng, đóng góp quan trọng vào kết quả thu ngân sách.

Mặc dù công tác thu ngân sách tăng trưởng khá so với cùng kỳ, nhưng nếu so với dự toán thì tổng thu ngân sách của Hà Nội trong 9 tháng mới đạt trên 70,1% dự toán, thấp hơn mức bình quân chung của ngành là 76,4%. Đáng chú ý các khoản thu từ đất giảm mạnh. 9 tháng đầu năm mới thu đạt 54% dự toán và chỉ bằng 63,9% so với cùng kỳ.

Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn cho biết, với tình hình hiện nay ước cả năm 2019, Hà Nội chỉ thu đạt khoảng 97,6% dự toán và tăng 9,2% so với thực hiện năm 2018. Trong đó tổng thu trừ dầu, tiền sử dụng đất, xổ số, cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước ước đạt 92,9% dự toán, tăng 14,7% so với thực hiện năm 2018. Thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh ước đạt 90% dự toán, tăng 15,8% so với thực hiện năm 2018.

Phấn đấu bù đắp 10.600 tỷ đồng hụt thu

Phát biểu tại hội nghị, Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn nhấn mạnh, Hà Nội là một trong những địa phương lớn nhất của cả nước với gần 154.000 DN, 160.000 hộ kinh doanh, số thu chiếm tỷ trọng 21,7% tổng thu ngân sách của toàn ngành. Nếu Hà Nội khó thì thu ngân sách cả nước cũng sẽ gặp khó khăn. Do đó để bù đắp khoản hụt thu khoảng 10.600 tỷ đồng thì Hà Nội cần tiếp tục tăng cường thu nợ thuế khoảng 4.000 tỷ đồng; thu qua thanh, kiểm tra khoảng 3.000 tỷ đồng và thu từ các khoản khác 3.600 tỷ đồng. Để thực hiện được mục tiêu này, Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn yêu cầu Cục Thuế Hà Nội cần tập trung rà soát, yêu cầu người nộp thuế đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty, các DN lớn nộp đúng, đủ, kịp thời các khoản thu theo đúng với thực tế phát sinh, tránh tình trạng nộp dồn vào cuối năm và đầu năm sau. Đối với công tác thu hồi nợ thuế cần phấn đấu thu hồi nợ thuế 4.000 tỷ đồng và không để nợ mới phát sinh; giao các phòng thanh tra, kiểm tra đôn đốc thu hồi đối với những trường hợp đã có quyết định xử lý sau thanh, kiểm tra. Đồng thời, phân công các phòng đôn đốc thu hồi nợ tiền thuê đất (hiện nay khoảng 3 ngàn tỷ đồng). Cơ quan thuế các cấp cần triển khai quyết liệt các giải pháp quản lý thu hồi nợ thuế, thực hiện rà soát, phân loại nợ để quản lý đúng đối tượng nợ thuế, kiểm soát chặt chẽ dữ liệu nợ thuế ngay từ khâu đầu tiên. Định kỳ phối hợp với các cơ quan truyền thông để công khai danh sách người nộp thuế nợ tiền thuế, phí, nợ tiền thuê đất, tiền sử dụng đất; phấn đấu đạt chỉ tiêu thu nợ thuế mà Tổng cục Thuế đã giao, đồng thời không để nợ mới phát sinh.

Về công tác thanh, kiểm tra, hiện số thu bình quân/cuộc thanh, kiểm tra của Hà Nội có cao hơn bình quân chung của cả nước nhưng còn thấp hơn so với một số địa phương như: TP HCM, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Bà Rịa Vũng Tàu, Hải Phòng, Bình Dương, Khánh Hòa. Do đó, để đảm bảo thu được 3.000 tỷ đồng từ công tác thanh kiểm tra, Cục Thuế cần rà soát lại những DN có phát sinh doanh số lớn, để phân tích rủi ro, bổ sung vào kế hoạch thanh, kiểm tra, nhất là những DN có quy mô doanh thu từ 500 tỷ trở lên. Bên cạnh đó cần bổ sung đầy đủ lực lượng để tra, kiểm tra theo chuyên đề, chuyên sâu đối với các DN thuộc các ngành, lĩnh vực có tiềm ẩn rủi ro về trốn thuế, gian lận thuế; các DN có giao dịch liên kết, chuyển giá; cần ngăn chặn các hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp nhằm trốn thuế. Tổ chức thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị của cơ quan Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ; xử lý dứt điểm các vi phạm, tồn tại đã được cơ quan kiểm toán, thanh tra phát hiện, kiến nghị.

Đối với hộ kinh doanh, bình quân thuế khoán/hộ kinh doanh còn thấp so với mức bình quân của 16 địa phương có điều tiết ngân sách về trung ương. Do đó, Hà Nội cần rà soát, tập trung chỉ đạo quyết liệt, quản lý thu nộp thuế của DN ngoài quốc doanh, hộ, cá nhân kinh doanh, tập trung vào lĩnh vực có rủi ro cao về thuế, lĩnh vực có dư địa thu lớn, các ngành nghề kinh doanh mới, cá nhân có giao dịch đáng ngờ, trong đó đặc biệt lưu ý đối với quản lý hộ, cá nhân kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ (nhà hàng, khách sạn, dịch vụ giải trí…), kinh doanh thương mại điện tử qua mạng xã hội. Đối với các hộ kinh doanh thực hiện khoán thuế, thực hiện khảo sát, rà soát, điều chỉnh mức thuế khoán phù hợp với tình hình thực tế kinh doanh và mức tăng trưởng kinh tế của thành phố và tại địa bàn các quận, huyện, thị xã. Đối với hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn quyển, thực hiện đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề, kết hợp với kiểm tra sử dụng hóa đớn, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng mua, bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.

Tổng cục trưởng cũng yêu cầu các vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Thuế phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính và các bộ, ngành tại trung ương hỗ trợ Cục Thuế Hà Nội xử lý đôn đốc thu đúng, đủ, kịp thời đối với những khoản phải thu, góp phần đảm bảo nguồn thu cho NSNN./.

Nguồn: Tạp chí Thuế