Ứng dụng công nghệ thông tin: Tạo bước chuyển tích cực trong quản lý thuế

Ứng dụng công nghệ thông tin: Tạo bước chuyển tích cực trong quản lý thuế

Số lượng cán bộ công chức giảm mạnh, số doanh nghiệp và hộ kinh doanh ngày càng tăng, trong khi dự toán thu ngân sách liên tục tăng qua các năm là thực trạng ngành Thuế đang phải đối mặt.

 

Tập huấn xử lý các thông tin dữ liệu về hoàn thuế điện tử tại Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh.

Nhằm đáp ứng yêu cầu của xu thế mới, ngành Thuế đã thúc đẩy mạnh mẽ việc đưa ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác quản lý thuế. CNTT được ứng dụng rộng rãi vừa giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, giảm chi phí cho doanh nghiệp (DN) và người dân, vừa góp phần quản lý, thúc đẩy số thu tăng trưởng nhanh và bền vững.

Thu ngân sách tăng, nhân lực giảm

Năm 2017, lần đầu tiên trong lịch sử, thu nội địa do ngành Thuế thực hiện đã đạt và vượt mốc 1 triệu tỷ đồng. Có được kết quả trên là nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi của người dân, doanh nghiệp, các cấp, các ngành, địa phương và của hơn 4 vạn cán bộ, công chức thuế trên cả nước. Trong đó, phải kể đến sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc thay đổi phương thức quản lý thuế hiện đại, bằng việc đưa ứng dụng CNTT vào các quy trình quản lý trong toàn hệ thống thuế.

Chiến lược phát triển phát triển hệ thống thuế giai đoạn 2011 – 2020 có mục tiêu tổng quát là xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, thống nhất, công bằng, hiệu quả… Trong những năm qua, cơ cấu bộ máy tổ chức của ngành Thuế đã từng bước được tinh giản, hiện đại, nâng cao hiệu quả quản lý thuế. Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, chỉ trong vòng 4 năm (từ 2014 – 2017), số biên chế ngành Thuế giảm gần 3.000 người (tương đương 6,66%). Trong khi đó, số lượng DN tăng 182.445 (32,89%), số hộ kinh doanh tăng 103.509 (6,56%)… Như vậy có thể thấy, xu thế biên chế ngành Thuế ngày càng giảm, trong khi lại phải quản lý số lượng DN, người nộp thuế ngày càng khổng lồ và số thu ngày càng lớn như một nghịch lý khó giải thích.

 

Ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế

Ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, trong suốt 4 năm liền (từ 2014 – 2017), ngành Thuế đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN). Năm 2017 thu NSNN tăng so với năm 2014 là 332.944 tỷ, tương đương tăng 48,52%. “Không chỉ số thu ngân sách liên tục tăng trong các năm qua, thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ, công tác cải cách thủ tục hành chính cũng được đẩy mạnh, qua đó đã cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, đưa Việt Nam đứng trong nhóm ASEAN4 về mức độ thuận lợi. Theo báo cáo Doing Business 2018 của Ngân hàng Thế giới, chỉ số nộp thuế của Việt Nam xếp hạng 86/190 nước, tăng 81 bậc, đứng thứ 4 trong ASEAN, sau Singapore, Thái Lan, Malaysia”, ông Trí nói.

TMS – “Xương sống” của chương trình cải cách thuế

Những năm qua, ngành Thuế đã thúc đẩy mạnh mẽ việc đưa ứng dụng CNTT vào công tác quản lý thuế. Các dịch vụ điện tử như khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử… đã mang lại rất nhiều lợi ích cho người nộp thuế; tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, mang lại hiệu ứng rất tích cực đối với người dân và xã hội. Đây cũng là nguyên nhân chính, cốt lõi giúp chỉ số nộp thuế của Việt Nam tăng vượt bậc trong những năm qua.

Các ứng dụng quản lý thuế điện tử như đã để cập trên đây được xây dựng, vận hành trên cơ sở “mặt bằng” của ứng dụng quản lý thuế tập trung (TMS). Đây là ứng dụng được Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xác định là hệ thống ứng dụng tác nghiệp lõi (xương sống) để hỗ trợ công tác quản lý của ngành Thuế; thay thế cho các hệ thống ứng dụng quản lý thuế được triển khai phân tán ở cả 3 cấp của ngành Thuế từ năm 1998. Hệ thống này đã được phát triển và nâng cấp nhiều lần dựa trên kiến trúc ứng dụng cũ.

“Việc triển khai ứng dụng TMS đã góp phần hoàn thành kế hoạch cải cách, hiện đại hoá ngành Thuế giai đoạn 2011 – 2015 và là cơ sở để ngành Thuế thực hiện các Nghị quyết 19 của Chính phủ về tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia giai đoạn 2015 – 2016. Ứng dụng TMS cũng là nền tảng để ngành Thuế thực hiện chiến lược cải cách hệ thống Thuế giai đoạn 2011 – 2020”, ông Trí chia sẻ.

Chia sẻ thêm về những tiện ích mà ứng dụng TMS mang lại, ông Trí cho biết, đây là ứng dụng quản lý thuế tích hợp, xử lý tự động tối đa các nghiệp vụ về đăng ký thuế, xử lý hồ sơ khai thuế, chứng từ nộp thuế, tính chậm nộp, tạo thông báo nợ, giám sát hoàn thuế… giảm bớt thao tác thủ công, tiết kiệm thời gian cho cán bộ thuế. Vì vậy, công tác xử lý dữ liệu về thuế nhanh chóng, kịp thời hơn rất nhiều so với trước đây. Các cán bộ thuế đều có thể khai thác thông tin trên ứng dụng để nắm tình hình số thuế phải nộp, từng chứng từ nộp thuế để kịp thời đôn đốc thu thuế, thu nợ thuế.

“Ứng dụng TMS là cơ sơ để ngành Thuế triển khai mở rộng các dịch vụ điện tử cung cấp cho người nộp thuế như: eTax, khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử… Nó cũng giúp cơ quan thuế cấp trên nắm được tình hình quản lý của cấp dưới; hỗ trợ tích cực cho lãnh đạo cơ quan thuế cấp trên trong công tác giám sát, chỉ đạo, điều hành và quản lý đối với cơ quan thuế cấp dưới. Cụ thể, nhờ có cơ sở dữ liệu tập trung, việc cung cấp dữ liệu mang tính tổng hợp tại cấp tổng cục được nhanh hơn, thay vì phải tổng hợp từ hơn 700 cơ sở dữ liệu phân tán như trước đây. Công tác vận hành, quản trị, nâng cấp ứng dụng được thực hiện tập trung, thống nhất giúp tiết kiệm thời gian, giảm thiểu rủi ro, vì cả nước chỉ sử dụng cùng một phiên bản thống nhất tại một thời điểm”, ông Trí chia sẻ.

Nhật Minh
Thoibaotaichinh